Độc đáo “hơ gọ” của người Xơ Đăng
Rong ruổi trên hành trình đến với các thôn làng, một lần, tôi được bà con Xơ Đăng ở làng Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) chiêu đãi món “hơ gọ”- tức nõn chuối nấu thịt gác bếp. Dù chỉ một lần thưởng thức, nhưng món ăn độc đáo ấy đã để lại trong tôi những dư vị khó quên.
Quen với cái lạnh, mặc dù trong những ngày rét buốt, nhưng chị Y Rương (làng Đăk Tăng, xã Đăk Tăng) vẫn lên rừng khi trời mới sáng. Hành trang của chị chỉ vỏn vẹn là chiếc gùi cùng với chiếc rựa đã cũ.
Đường rừng núi gập ghềnh, những cơn mưa lại bất chợt tạo nên những vũng sình lầy tự nhiên chắn ngay giữa đường đi. Tuy nhiên, quen với đường rừng và thời tiết nơi đây, nên bước chân chị Y Rương vẫn thoăn thoắt. Để theo kịp chị, tôi phải ráng bước đến mỏi nhừ đôi chân.
|
Chị cởi mở trò chuyện: Từ bao đời nay, người Xơ Đăng đã biết tận dụng những nguyên liệu, sản vật của núi rừng để phục vụ cuộc sống. Từ nguyên vật liệu để làm nhà, đến thức ăn, nước uống, chúng tôi đều được rừng núi ưu đãi. Vậy nên đối với chúng tôi, rừng chính là nhà. Bà con cũng rất có ý thức trong việc bảo vệ rừng, môi trường và hệ sinh thái nơi đây.
Ở vùng rừng núi Đăk Tăng này, cây chuối rừng mọc hoang khắp nơi, đâu đâu cũng có thể bắt gặp chuối rừng. Có lẽ vì điều kiện khí hậu thích hợp, nên chuối rừng luôn tươi tốt, phát triển mạnh mẽ. Cũng vì thế mà chẳng biết từ bao giờ, cây chuối rừng trở nên thân thuộc và bà con thường dùng cây chuối để chế biến các món ăn khác nhau.
“Chuối rừng thân nhỏ, có thể cao tới 4m. Buồng chuối rừng thường nhỏ, có khoảng 5 – 6 nải, mỗi nải từ 10 - 16 quả. Quả chuối rừng có đặc điểm là thon nhỏ, khi chín đổi từ màu xanh sang vàng, mùi thơm, ăn ngọt thanh nhưng nhiều hạt nên ít người dùng” - chị Y Rương chia sẻ.
Sau khi đi vào sâu trong rừng, chị Y Rương đã tới khu vực có những cây chuối ưng ý nhất. Chị thoăn thoắt lách qua tán lá để tiếp cận bụi chuối. Việc tiếp theo, chị dùng rựa chặt từng nhát dứt khoát để hạ cây chuối xuống. Lấy tay bóc tách từng lớp vỏ bên ngoài, chị để lộ ra phần lõi chuối trắng nõn. Sau mỗi cây đã bóc lớp vỏ ngoài, chị nhanh chóng bỏ phần lõi chuối vào chiếc gùi sau lưng. Khoảng 30 phút miệt mài với công việc, chiếc gùi sau lưng chị Y Rương đã đầy ắp lõi chuối.
|
Theo kinh nghiệm của chị Y Rương, để chế biến món ăn với lõi chuối, bà con Xơ Đăng ở đây thường lựa chọn cây chuối vừa trưởng thành, không lấy cây quá già hoặc quá non. Bởi lấy lõi chuối non, khi chế biến sẽ có vị chát và nhiều nhựa. Ngược lại, chọn chuối quá già, phần lõi sẽ mất đi độ mềm ngọt, ăn không ngon.
Trở về căn nhà sàn quen thuộc của mình, chị Y Rương vui vẻ trò chuyện: “Ngày xưa, thời còn đói cơm, cây chuối chính là “cứu tinh” của bà con nơi đây! Mọi bộ phận của cây chuối bà con đều có thể sử dụng được. Quả chuối chín để ăn, hoặc dùng để ngâm rượu; bắp chuối (hoa chuối) được thái nhỏ ngâm nước muối và trộn với các loại rau rừng để làm các món nộm, hay đơn giản hơn là luộc lên, chấm với muối ớt. Phần lõi chuối có lẽ cũng là phần đặc biệt nhất, vì có thể sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau. Trong đó, quen thuộc nhất với bà con nơi đây chính là “hơ gọ”.
Từ lõi chuối mang về, chị Y Rương tiếp tục bóc bớt phần bẹ già, để lấy riêng phần lõi non bên trong. Lõi chuối non được bẻ thành từng khúc nhỏ, ở mỗi đoạn, chị Rương đều cẩn thận tước bỏ phần tơ chuối để tránh cho người ăn không bị mắc tơ.
Trong gian bếp của mình, chị Y Rương thoăn thoắt nhóm lửa. Khi than đã hừng, lửa đã đỏ, chị cho đổ nước vào nồi rồi bắc lên bếp. Chờ khi nước sôi, chị Y Rương mới cho lõi chuối non vào nồi và tiếp tục đun lửa.
Món nấu cùng với nõn chuối hôm đó là thịt heo gác bếp đã được chị Y Rương chuẩn bị sẵn. Thịt heo gác bếp được chị ướp các loại gia vị (tiêu rừng, sả, nghệ), sau đó gác lên bếp tầm 2 ngày. Theo chị Y Rương, trong món “hơ gọ”, ngoài phần nõn chuối, không nhất thiết phải là thịt heo. Bà con có thể sử dụng nhiều loại thịt khác (thịt chuột, dúi, bò…). Bởi lõi chuối rất lành, khi chế biến đều có thể kết hợp với nhiều loại thịt khác nhau, mang lại hương vị thơm ngon, ngọt nước.
|
Tiếp theo, chị Y Rương xé nhỏ thịt heo, cho vào nấu chung với lõi chuối. Khi thịt đã nhừ, lõi chuối non đã mềm cũng là lúc món ăn đạt yêu cầu. Ngay khi vừa bắc nồi xuống khỏi bếp, vừa mở vung, món ăn bốc hơi nghi ngút, mang theo mùi thơm thật quyến rũ lan tỏa khắp căn nhà sàn nhỏ.
Khi thưởng thức, ở ngay lần chạm đũa đầu tiên, món “hơ gọ” đã cho tôi nhiều hương vị khó tả. Đó chính là sự hòa quyện giữa vị ngọt của lõi chuối, vị bùi của thịt. Đi kèm với đó hương thơm đặc trưng của tiêu rừng, hương thơm của sả và đâu đó phảng phất chút hương vị của khói.
Điểm đặc sắc nhất của món ăn này, có thể kể đến chính là phần nước dùng. Được đun sôi lâu trên lửa nên phần nước từ thịt và lõi chuối hòa quyện với nhau, tạo ra phần nước mang vị ngọt thanh, đậm đà. Phần mỡ từ thịt được ninh rục, chỉ chạm vào đầu lưỡi như tan trong miệng, mang theo vị béo ngậy, nhưng không hề gây ngấy cho người ăn.
Sau những lời khen tấm tắc của mọi người, chị Y Rương tươi cười: Món ăn này trở nên ngon hơn cũng bởi một phần tiết trời và khí hậu nơi đây. Và quả thật, trong cái tiết trời lạnh giá đặc trưng của núi rừng Đăk Tăng, ai nấy đều muốn thưởng thức một món ăn nóng hổi để làm ấm người. Và cũng chính vì thế, chẳng biết từ bao giờ, “hơ gọ” đã trở thành món ăn yêu thích trong mâm cơm thường ngày của người Xơ Đăng. Thậm chí, trong các lễ hội truyền thống (mừng máng nước, mừng lúa mới, mừng chuồng trâu), món ăn này dường như không thể thiếu. Bà con thường ăn “hơ gọ” kèm với cơm lam hoặc các loại bánh nếp.
Ngày nay, cho dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, ẩm thực của người đồng bào Xơ Đăng ở đây cũng có nhiều thay đổi theo. Tuy nhiên, món “hơ gọ” vẫn là món ăn ưa thích của người dân và hấp dẫn bao du khách.
Tất Thành