Đinh Su Giang: Văn nghệ là giữ gìn bản sắc cội nguồn
Đinh Su Giang sinh ngày 4/3/1978, là người dân tộc Xơ Đăng (nhánh Ka Dong), quê quán xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, sinh sống tại thị trấn Măng Đen. Hiện anh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam và Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Kon Tum.
Với một nội lực sáng tạo dồi dào, Đinh Su Giang vừa viết văn vừa sáng tác âm nhạc. Anh đã nhận được một số giải thưởng của các tổ chức VHNT từ địa phương đến trung ương: Giải A của Hội VHNT Kon Tum (2009), giải B của Hội VHNT các DTTS Việt Nam (2017), giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2017), giải A của Hội VHNT Kon Tum (2020) và một số giải thưởng âm nhạc của tỉnh Kon Tum.
Đinh Su Giang là một trong số rất ít các tác giả người DTTS có tham gia sáng tác VHNT và là cây bút truyện ngắn giàu năng lực viết về đề tài Tây Nguyên ở Kon Tum hiện nay.
|
Về văn học, anh đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: Búp Thông xanh (NXB Văn học, 2017), Trên đỉnh Kip Linh (NXB Hội nhà văn, 2020). Các truyện ngắn của anh mang đậm chất sử thi pha màu sắc chủ nghĩa hiện thực huyền ảo rất dễ cuốn hút độc giả.
Về âm nhạc anh có một số ca khúc nổi bật được nhiều người yêu thích, như ca khúc Truyền thuyết Măng Đen, ca khúc Tu Mơ Rông của tôi... mang hơi thở khoẻ khoắn và trữ tình rất riêng, rất đặc thù của núi rừng Tây Nguyên. Dường như chất đất, chất nắng, chất gió của xứ sở “T’Măng Deeng” mang nhiều sắc màu huyền thoại đã hòa quyện sâu đậm vào huyết quản của “đứa con của rừng” này và cất lên tiếng hát vang vọng núi rừng.
Sự đóng góp của Đinh Su Giang về mảng sáng tác văn học đậm chất Tây Nguyên đã được Ban Biên soạn tài liệu Địa phương học ở Kon Tum ghi nhận và đã chọn truyện ngắn Người đánh cá trên sông Đăk Bla của anh đưa vào giảng dạy cho học sinh ở chương trình Trung học phổ thông lớp 12.
Xuất phát là một nhà giáo đã từng gắn bó lâu năm với học sinh ở các trường học miền núi, nhất là Trường Dân tộc nội trú huyện Kon Plông với gần 20 năm giữ cương vị Phó Hiệu trưởng chuyên trách, đã giúp anh thêm hiểu biết sâu sắc hơn những vẻ đẹp tâm hồn con người và nét đặc trưng văn hóa xứ sở. Vì thế trong anh luôn khát khao giữ gìn, khơi sáng những bản sắc văn hóa, những ước mơ của con người nơi đây, và anh đã chuyển tải, thể hiện tất cả những điều ấy trong các sáng tác của mình.
|
Bản sắc văn hoá và cảnh sắc núi rừng kỳ vĩ Tây Nguyên ngấm sâu trong từng mạch ngầm của đất đai, cây cỏ ngàn đời âm thầm chảy qua những khe giọt, tạo thành sông suối đầu nguồn, truyền qua dòng huyết quản của Đinh Su Giang và anh đã thẩm thấu, thừa hưởng được nguồn mạch ngầm ấy để rồi lắng đọng như là bản thể của núi rừng và trở về với bản thể núi rừng.
Các sáng tác của Đinh Su Giang không phô diễn sự đồ sộ, kỳ vĩ của rừng núi, mà âm ỉ bền chặt như rễ cây bám sâu vào đất đá núi đồi, như lớp thực bì phủ dày trên mặt đất tạo nên chất mùn cho núi rừng luôn xanh thẳm, cho những dòng suối mát lành âm thầm miệt mài len lách dưới bóng thâm u để hòa vào sông lớn.
Truyện ngắn Đinh Su Giang mang cái vẻ, cái chất của người Tây Nguyên bản địa rất rõ rệt, vừa hiền lành, chất phác, vừa thâm u, trầm mặc như núi như sông. Nhịp điệu truyện kể dễ tạo cho người đọc có cảm giác nhàm nhàm, oải oải qua một giọng văn chầm chậm, rề rà như vừa đi vừa dừng lại quan sát tìm tòi, rồi cúi xuống nhặt lên từng con chữ! Tuy nhiên, chính lối kể chuyện ấy đã dẫn dụ người đọc đi qua bao ngõ ngách buôn làng, nương rẫy, khe suối, núi đồi. Và, cứ theo mạch truyện ấy người đọc sẽ nhận thấy lòng mình trở nên tung tăng rạo rực trước sắc hoa reng-rê trên đường viền cạp váy của nhịp bước của các cô gái sơn nữ; thấy tâm hồn mình như giấc ngủ rừng già được đánh thức bởi âm thanh những ống lồ ô va đập vào nhau của dàn đàn ting-gling đuổi chim muông trên các nương rẫy; thấy lòng dâng lên những cảm xúc mênh mang chuếnh choáng hương men rượu cần lẫn trong tiếng trống chiêng ngày hội làng đang mở...
Hình ảnh về con người và thiên nhiên Tây Nguyên được Đinh Su Giang miêu tả qua các truyện ngắn đều mang những nét đặc trưng của vùng đất Kon Tum mà ai đã từng ở nơi này đều có thể thấy được. Những cô gái Xơ Đăng, Ba Na bắp chân trần tròn lẳng, trắng ngần như thân cây chuối bóc, những phiến đá nhô ra giữa lưng chừng núi cao, những ngôi làng nhỏ nấp mình thấp thoáng trong bóng rừng già... Tất cả rất đỗi quen thuộc, nhưng khi tiếp cận qua từng trang văn của Đinh Su Giang lại hắt sáng lên vẻ đẹp mơ màng, huyền diệu, tựa như màn sương giăng mờ ảo giữa rừng thông Măng Đen, như mây bồng bềnh sà xuống đỉnh Ngok Krinh, ...
Sự quan sát tỉ mỉ, cảm nhận sâu lắng bằng hơi thở, bằng tình yêu với con người và vùng đất quê hương của tác giả đã làm cho mọi vật trở nên đặc biệt. Cũng rừng thông, cũng sương mờ, cũng mây giăng nhưng người đọc cảm giác rất rõ từng điểm sương đáp xuống da mặt vừa mát lạnh, vừa mơn man. Càng đọc truyện, người đọc càng bị cuốn hút theo, cảm tưởng như đang trong một đêm sâu thẳm nào đó, nằm ở nhà rông, bên bếp lửa chập chờn, bóng già làng in trên vách nứa cất giọng trầm ấm, rì rầm kể sử thi đưa người đọc trở về với cội nguồn đại ngàn xanh thẳm.
|
Khi nghỉ công tác quản lí ở trường học, chuyển sang Trung tâm Văn hóa - thể thao - du lịch huyện Kon Plông, Đinh Su Giang vẫn luôn mang theo những trăn trở về việc giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa nơi đây. Ở cương vị Phó Giám đốc Trung tâm, anh đã có những đóng góp thiết thực trong việc tái hiện, phục dựng những nét văn hóa đặc trưng của bà con DTTS tại chỗ. Đặc biệt, có sự kết hợp với Hội Du lịch Kon Plông, anh đã góp phần tổ chức thành công những buổi chợ phiên định kì tại Măng Đen. Đây là một không gian mở để du khách có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm văn hóa, ẩm thực do chính bà con dân tộc bản địa làm ra. Hoạt động chợ phiên Măng Đen được tổ chức vào ngày cuối tuần vô cùng hấp dẫn, tạo điểm nhấn ấn tượng trong lòng du khách, góp phần phát triển hoạt động du lịch của huyện nhà.
Đinh Su Giang vừa được Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội VHNT tỉnh khóa VI nhiệm kì 2020-2025 (trước đó anh là Phó Chủ tịch). Đây vừa là nhiệm vụ vừa là cơ hội để anh tiếp tục cống hiến sức mình cho công tác văn nghệ ở tỉnh nhà thêm nhiều khởi sắc. Khát vọng gìn giữ vẻ đẹp cội nguồn đã thôi thúc Đinh Su Giang tiếp tục phát huy nội lực, có nhiều dự định dài hơi trong sáng tác VHNT. Dự kiến trong năm 2024 này anh sẽ cố gắng cho ra đời 2 tập sách, gồm truyện ngắn và tản văn; hứa hẹn sẽ trình làng một số ca khúc, trong đó có ca khúc mới đầy ấn tượng về huyện Đăk Hà ...
Chắc chắn với nội lực sẵn có của một người con núi rừng còn đang độ trẻ trai, Đinh Su Giang sẽ thực hiện được những dự định ấp ủ đó. Bạn đọc sẽ được nhìn thấy một ngọn thông xanh vâm váp mỡ màng vươn mình lên giữa núi rừng Tây Nguyên kỳ vĩ.
TRẦN THUÝ VÂN