Của để dành của dân làng Đăk Răng
Sau những bước thăng trầm, người dân làng Đăk Răng (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi) đã biết giữ gìn, bảo vệ những bộ cồng chiêng quý để những báu vật này còn mãi, cho nhịp cồng chiêng luôn vang vọng trong những lễ hội truyền thống của dân làng. Họ coi đây như là một cách để dành của lại cho con cháu sau này.
Theo quan niệm của người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) ở làng Đăk Răng, cồng chiêng là linh hồn của các lễ hội, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc. Những bộ chiêng cổ là “vật chứng sống” tượng trưng cho sự trường tồn của thôn làng trước những thay đổi của nhịp sống mới.
Thế nên, hầu hết người trong làng hôm nay đều một lòng gìn giữ, nối truyền, đồng thời tiếp tục duy trì những lễ hội, phong tục, tập quán tốt đẹp để cho tiếng cồng, tiếng chiêng luôn có dịp được vang lên. Tuy nhiên, để có được điều này, dân làng Đăk Răng cũng đã trải qua không ít những thăng trầm.
Thôn trưởng Thao Thăng cho biết: Một thời gian, trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, người dân choáng ngợp trước luồng gió mới của văn hoá hiện đại khiến bản sắc và nét văn hoá truyền thống cũng bị bay đi ít nhiều, cồng chiêng đứng trước nguy cơ bị “chảy máu”, mai một. Nhiều gia đình đã bán đi những bộ cồng chiêng quý với giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực của nó. Một số gia đình do chủ quan, sơ suất cũng đã bị kẻ trộm lấy đi mất những bộ chiêng cổ. Tuy nhiên, sau một thời gian xáo trộn đó, các gia đình ngày càng hiểu rõ những “báu vật” trong tay, từng bước nâng cao ý thức bảo vệ, sưu tầm thêm những bộ cồng chiêng quý để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Hiện giờ, trong làng có những bộ cồng chiêng hàng trăm tuổi, có giá trị rất cao nhưng người dân không ai có ý định bán. Họ không quan tâm đến giá trị kinh tế mà mọi người đều gìn giữ rất cẩn thận để dành cho con cháu mai sau.
Để hiểu hơn về giá trị của cồng chiêng, Thao Thăng dẫn tôi đến nhà già Thao Non. Ông Thao Non năm nay 82 tuổi tỏ ra dè dặt và thận trọng khi chúng tôi ngỏ ý hỏi thăm về bộ cồng chiêng của gia đình. Sau một hồi chuyện trò, thấy được chân tình của chúng tôi, ông mới cởi mở: Chẳng phải già khó đâu mà trước đây đã từng có những người cũng vào làng hỏi thăm rồi gạ gẫm, nói ngon nói ngọt khiến nhiều dân làng bùi tai bán mất nhiều cồng chiêng, một số gia đình do chủ quan đã bị kẻ gian lấy cắp nữa. Nhà già hiện có 2 bộ chiêng, có 1 bộ chiêng 3 cái có núm, không biết nó bao nhiêu tuổi rồi, già chỉ biết đây là bộ cồng chiêng do ông bà từ nhiều đời để lại giờ đến lượt già được tiếp quản. Ngày xưa, cồng chiêng là tài sản có giá trị nên ông bà ta phải đổi bằng mấy chục con trâu mới có được, bây giờ cồng chiêng không giá trị như trước nhưng với người dân mình thì đây vẫn là một khối tài sản lớn. Chẳng nói đâu xa, năm ngoái, già mới mua thêm 1 bộ cũng mất hơn 50 triệu đấy. Nói thế thôi, chứ với già cũng như nhiều người trong làng, cồng chiêng là tài sản vô giá không thể tính bằng tiền được, không có cồng chiêng thì văn hoá của dân tộc cũng bị mai một, con cháu sẽ quên mất cội nguồn nên mình phải giữ gìn để truyền lại cho con cháu sau này.
Cháu của già Thao Non là Thao Nui cũng đang sở hữu 2 bộ chiêng cổ. Lúc chúng tôi đến nhà, mặc dù đang vội vàng chuẩn bị lên rẫy, nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp chuyện. Ngôi nhà của Thao Nui khá đơn sơ, bên trong, ngoài chiếc ti vi cũ kỹ thì không có vật dụng nào có giá trị. Sau khi trải chiếu mời khách ngồi, ông sai đứa cháu đi lấy 1 bộ chiêng cổ 3 chiếc ra khoe: Nhà mình có 2 bộ được cha mẹ để lại cho. Chiêng lớn là chiêng Mẹ gọi là Gù, 2 chiêng con lần lượt gọi là Moong và Mông. Những bộ chiêng này đã được truyền qua nhiều đời rồi. Mình giữ gìn những bộ chiêng này rất cẩn thận để sau này cho con cháu bởi nó không chỉ mang giá trị về vật chất mà quan trọng hơn giữ được chiêng, cồng đó cũng là giữ văn hóa, giữ phần hồn của dân tộc cho con cháu.
|
Khi chúng tôi hỏi thôn trưởng Thao Thăng, anh có biết trong làng còn khoảng bao nhiều bộ cồng chiêng, Thao Thăng cười phân trần: Nói thật, con số mình nắm được chỉ khoảng 20 bộ, tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều gia đình còn giữ được những bộ chiêng quý. Song nhà nào có chiêng nhà đó giữ, họ không nói với mình thì mình cũng không dám hỏi bởi đó là tài sản, là báu vật của mỗi nhà mà.
Không chỉ giữ lại những bộ chiêng quý mà người dân làng Đăk Răng còn rất chú tâm việc truyền dạy cho các lớp con cháu để tiếng cồng, tiếng chiêng mãi bay xa, vang xa. Nhịp chiêng là thanh âm nối con người với thiên nhiên, thần linh nên trong các nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng như đám cưới, làm nhà mới, đưa người chết ra mồ, ăn lúa mới... không thể thiếu được tiếng cồng tiếng chiêng. Từ khi sinh ra, người dân đã nghe tiếng cồng tiếng chiêng ngân vang khắp núi rừng trong các dịp lễ hội truyền thống như khi gieo hạt lúa, lúc gọi linh hồn người về rừng (đám tang), khi gọi hồn lúa....
“Không chỉ mang tính chất nghi lễ, bình thường nếu không có cồng chiêng, ngày tết, ngày lễ hội sẽ không vui, không tập trung được lũ trẻ trai gái và nhiều người nữa. Tuỳ vào từng lễ nghi mà giai điệu chiêng khác nhau, có khi thong thả, nhịp nhàng khoan thai; có khi rộn ràng, sôi nổi; có khi trầm buồn. Nói tóm lại, cồng chiêng gắn bó mật thiết với mỗi cuộc đời con người, mỗi gia đình, dòng họ và lễ nghi cổ truyền của cộng đồng nên dù có những lúc thăng trầm, đổi thay thì nó vẫn còn mãi ” – già Thao Non chia sẻ.
Để “truyền lửa” cho những người trẻ, trong các lễ hội, trong các việc của làng, của mỗi gia đình, những người già sẽ tranh thủ chỉ bảo cho những thanh niên, thiếu niên. Những người già, bằng kỹ năng, tình yêu, kinh nghiệm và bằng tất cả tâm huyết đã truyền dạy cho con cháu trong làng để lớp ông cha đi trước, lớp con cháu theo sau cứ thế nối nhịp cồng chiêng.
Với cách coi cồng chiêng là của để dành cho con cháu, người dân làng Đăk Răng đã bảo vệ và gìn giữ văn hoá cồng chiêng một cách hiệu quả. Song để cồng chiêng còn mãi với thời gian, cùng ý thức của mỗi gia đình trong cộng đồng làng, cần sự tuyên truyền, định hướng cũng như sự ủng hộ của các cấp, các ngành để người dân vững tin và có điều kiện để bảo tồn hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: Hương Nga