Cơ hội mới cho nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai
Ngày 10/11/2023, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp (dân tộc Gia Rai) tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực to lớn cho các cấp, ngành, địa phương cũng như của cộng đồng bà con Gia Rai trên địa bàn tỉnh trong công tác gìn giữ và bảo tồn.
Dân tộc Gia Rai ở Kon Tum là một trong 7 DTTS tại chỗ có dân số khá đông, gồm nhiều nhóm như Gia Rai Chor, Gia Rai MThu, Gia Rai HơDrong, Gia Rai TBoăn, Gia Rai A Ráp, trong đó, chiếm phần lớn là nhóm A Ráp. Cộng đồng các dân tộc Gia Rai sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo, góp phần làm nên bức tranh đa sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
|
Trong nghề dệt thổ cẩm của người Gia Rai, nhánh A Ráp sở hữu nhiều kỹ năng độc đáo và có nhiều nghệ nhân tâm huyết với việc gìn giữ và phát huy nghề dệt. Các sản phẩm được tạo ra mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần, có thể trao đổi, mua bán để tăng thêm thu nhập và góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Theo nghiên cứu, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Quá trình chuẩn bị nguyên liệu dệt rất công phu: Quả bông sau khi thu hoạch được phơi khô, sau đó loại bỏ vỏ và các tạp chất để tách bông ra khỏi hạt. Bông tách ra được phơi khô để giữ màu trắng vốn có, rồi sử dụng dụng cụ bật bông (Mơˇnh) để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn. Tiếp theo sẽ dùng dụng cụ xa kéo sợi (Roi) để tạo thành sợi, rồi cuộn tròn lại như quả bóng đem dàn trên dụng cụ dàn sợi (Tơi vơi) để quấn các sợi chỉ thành hình tròn giúp thuận lợi cho việc nhuộm màu. Trước khi đưa vào khung dệt, người A Ráp giăng sợi trên khung (Hnar) theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải, sau đó đưa thảm sợi vào khung dệt để bắt đầu dệt.
Nghề dệt thủ công của người A Ráp (Gia Rai) ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hoá độc đáo riêng có, không thể pha trộn với các dân tộc bản địa khác ở Kon Tum. Đó là sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn, họ vẫn duy trì những hoa văn truyền thống, đồng thời, sáng tạo nên những hoa văn và màu sắc mới. Trong đó, hoa văn được bố cục theo những nét hình họa cơ bản, gần gũi với đời sống như đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc, các loại hình đa giác. Màu sắc trên các tấm thổ cẩm có màu nền chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trong đó, màu vàng dùng để trang trí, điểm xuyến để tạo nên những nét độc đáo. Chất liệu tạo màu được người Gia Rai lấy từ thực vật có sẵn trong môi trường tự nhiên.
|
Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Ngày nay, mặc dù trên thị trường có đủ loại vải sặc sỡ sắc màu, nhưng vẻ đẹp của váy áo thổ cẩm vẫn luôn được đồng bào Gia Rai ưa chuộng, sử dụng thường xuyên trong những ngày lễ hội. Đặc biệt, nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) trên địa bàn tỉnh phổ biến chủ yếu ở huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum; đồng thời phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo ra những sản phẩm được định hướng gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Điển hình như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở thôn Plei Lay (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum). Bên cạnh tạo ra nhiều sản phẩm dệt độc đáo, mang nhiều giá trị, các nghệ nhân lớn tuổi trong Tổ hợp tác còn mở lớp truyền nghề lại cho các em nhỏ tại thôn.
Nghệ nhân Y Yưn (hơn 60 tuổi, dân tộc Gia Rai, nhóm A Ráp ở thôn Plei Lay) cho biết: “Các sản phẩm dệt được chúng tôi làm ra không chỉ phục vụ cho đời sống văn hóa cộng đồng của bà con, mà còn đem đi trao đổi, buôn bán với nhiều bà con ở các thôn lân cận. Nghề dệt còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Gia Rai, là tiêu chí để các chàng trai trong làng lựa chọn làm bạn đời”.
Không chỉ ở thành phố Kon Tum, nhiều nghệ nhân người A Ráp trên địa bàn huyện Sa Thầy cũng ra sức gìn giữ nghề dệt như “báu vật” của tổ tiên để lại.
|
Nghệ nhân Y Pyir (59 tuổi) ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) chia sẻ: “Lúc nhỏ được các bà, các mẹ truyền nghề dệt, tôi chỉ mất khoảng một năm để làm quen và ghi nhớ hết các hoa văn, họa tiết phức tạp. Đến những công đoạn khó hơn như dệt trang phục, những hình vẽ khó, những tấm vải lớn, tôi lại cùng đám bạn trong làng tụ tập vừa làm vừa trao đổi vui vẻ, tạo ra một không khí thi đua học tập sôi nổi, giúp đẩy nhanh quá trình học. Đến bây giờ, những người già trong làng hiểu biết về nghề dệt cũng hiếm dần nên bản thân tôi tự cảm thấy mình phải cố gắng lưu giữ được càng nhiều kiến thức càng tốt thì mới bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy cho con cháu đời sau được”.
Để giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người A Ráp (Gia Rai), thời gian qua, tỉnh ta có nhiều sự hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề dệt trong đồng bào DTTS, đẩy mạnh quảng bá tìm đầu ra cho các sản phẩm. Qua đó, nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều khởi sắc, mang lại nhiều giá trị kinh tế, tinh thần cho bà con.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và gia đình (Sở VH, TT&DL) cho biết: “Để hỗ trợ nghề dệt của người A Ráp phát triển, tỉnh đã triển khai các chương trình, dự án như mở lớp dạy nghề dệt thủ công tại địa phương; dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, trong đó, có nhà trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc của địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương; tổ chức các nghi lễ truyền thống, thành lập các đội văn nghệ trong đó sử dụng trang phục dân tộc khi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ; xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc thi về nghề dệt, tôn vinh sản phẩm dệt sáng tạo tại địa phương. Thông qua các hoạt động đã giúp khích lệ, động viên cộng đồng người Gia Rai thêm yêu quý và gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, giáo dục cho thế hệ trẻ yêu quý giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, khuyến khích các em theo học nghề dệt, phát huy năng lực sáng tạo để tạo ra các sản phẩm dệt vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại phù hợp với thị hiếu của người dùng”.
Hoàng Thanh