Cá cơm – Quà tặng của dòng Sê San
Lâu nay chỉ nghe nói đến cá cơm ở biển, loài cá nước mặn đã cho ra thứ nước mắm ngon nổi tiếng của nước ta, còn cá cơm sông thì quả thực rất lạ. Trong hệ thống sông của Kon Tum, loài cá này chỉ có ở dòng Sê San...
Dòng Sê San hùng vĩ không chỉ được biết đến là “dòng sông năng lượng” chảy qua hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai rồi chảy ngược sang nước bạn Campuchia, đây còn là dòng sông được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại cá đặc sản như cá anh vũ, cá lăng, cá chép, cá bống... Không ít bài viết đã từng đề cập sự đa dạng, phong phú về nguồn lợi thuỷ sản của dòng sông này, nhưng với tôi, tôi ấn tượng về một loài cá nhỏ bé – cá cơm sông.
Đặc sản cá cơm sông
Trong một chuyến công tác tại Nam Sa Thầy, chúng tôi may mắn được anh em cán bộ của UBND huyện Ia H’Drai chiêu đãi một món ăn mà mọi người gọi đó là đặc sản của dòng Sê San – món cá cơm chiên vàng béo ngậy, giòn tan có thể “mê hoặc” bất kỳ ai ngay từ lần đầu thưởng thức.
Lâu nay, tôi chỉ nghe nói đến cá cơm ở biển, loài cá nước mặn đã cho ra thứ nước mắm ngon nổi tiếng của nước ta, nhưng cá cơm sông thì quả thực rất lạ. Nghe mọi người giới thiệu, trong hệ thống sông của Kon Tum, loài cá này chỉ có ở dòng Sê San, thuộc khu vực lòng hồ của thuỷ điện Sê San 4. Cá cơm sông nhỏ hơn cá cơm biển, chiều dài khoảng 3 – 4cm, có thân mình trắng trong, phần bụng trắng đục như hạt cơm.
Chị Bích Phương – người nấu ăn cho anh em cán bộ của UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Cá cơm sử dụng ngay khi còn tươi, nhưng vì cá cơm khi đã đánh bắt lên khỏi mặt nước rất nhanh bị ươn nên thông thường người ta đem phơi ngay để cất giữ được lâu và dễ dàng vận chuyển đi các nơi, nên các món ăn phổ biến từ cá cơm sông thường là chế biến từ món cá khô. Cá cơm sông Sê San có thể chế biến thành rất nhiều món ăn như cá cơm chiên vàng rồi cho thêm chút mắm, bột ngọt, hay kho với thịt ba chỉ thành món để ăn cơm hợp với những ngày mưa; hoặc cá cơm chiên rồi đem trộn với xoài xanh thái chỉ thành một món gỏi rất hợp làm món nhậu cho đấng mày râu... Những ai khi đến đây, thưởng thức các món được chế biến từ cá cơm đều mê tít, lúc về thế nào cũng nói tôi để lại cho vài ký mang theo. Nhiều người còn nghiện món ăn này đến mức còn nhờ tôi gửi xe hoặc khi có ai ra gửi mang giùm…
|
Những món ăn từ cá cơm đều rất dân dã, cách chế biến cũng không mấy cầu kỳ, nhưng lại làm “siêu lòng” không ít thực khách khi đến với vùng đất Nam Sa Thầy. Chẳng khó để lý giải điều này, bởi trước hết đây được đánh giá là loại thực phẩm sạch do cá cơm sống trong tự nhiên thức ăn chính của cá là sinh vật phù du, giáp xác nên mọi người không phải băn khoăn về vấn đề thức ăn công nghiệp, dư thừa chất kháng sinh như cá nuôi hay chất bảo quản như cá tươi từ nơi khác vận chuyển về. Và nói gì thì nói, không thể phủ nhận rằng những món ăn chế biến từ cá cơm rất ngon, không ngán nên người ta có thể ăn hoài không chán, không lo cả đến chuyện cholesterol...
Món quà của dòng sông
Với những người làm nghề chài cá trên sông Sê San và cả người dân sống ở vùng đất Nam Sa Thầy, loài cá cơm chính là món quà của dòng sông dành tặng cho cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của họ.
Với sản lượng cá cơm dồi dào, dòng sông này đã ban tặng cho những người mưu sinh trên vùng lòng hồ Sê San 4 một nguồn lợi kinh tế đáng kể. Với những người chuyên đánh bắt cá cơm làm hàng hoá, cá cơm đã mang lại cho họ một nguồn thu đáng kể; còn với những người khai thác cá để làm thức ăn nuôi cá lồng cũng giảm một phần chi phí, tăng lợi nhuận.
Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm gặp được người chuyên đánh bắt cá cơm để tìm hiểu công việc, quy trình làm cá cơm khô và thu nhập từ nghề này, nhưng vì ban ngày, mọi người đều nghỉ hết chỉ đến đêm mới chong đèn thả lưới nên không dễ để gặp được. Anh Nguyễn Văn Thủ- một người chuyên đánh bắt cá cơm bị chúng tôi “bắt cóc” khi đang lúi húi phơi mẻ cá mới kéo bên bờ sông.
Anh Thủ cho biết: Cá cơm ở đây nhiều lắm, trước đây, hầu như người ta chỉ khai thác cá để làm thức ăn nuôi cá lồng, nhưng sau này, do có nhiều người ưa chuộng món ăn từ cá cơm nên nhu cầu đánh bắt làm hàng hoá tăng cao, người đánh bắt cá cơm vì thế cũng nhiều hơn. Việc này không đòi hỏi nhiều vốn liếng lắm, cũng không mấy vất vả, nhưng phải chịu khó, cẩn thận. Người làm nghề chỉ cần đầu tư vài tay lưới, mấy ngọn đèn, buổi tối đi thuyền ra thả lưới rồi thắp đèn, cá thấy ánh đèn sẽ rủ nhau tới thành đàn lớn, đến khoảng 3-4 giờ sáng thì dậy kéo lưới. Hôm nào may mắn thì được khoảng chục ký, hôm nào ít thì được 4- 5 ký, cá cơm tươi được người ta mua sỉ khoảng 17.000 – 18.000 đồng/kg, cá cơm khô thì được giá 100.000 đồng/kg, ngày tính ra cũng được từ 100.000 – 200.000 đồng, với những người điều kiện còn nhiều khó khăn như chúng tôi thế là vui rồi. Cá sau khi được kéo lên, người ta phải nhặt sạch những con ốc và các loại cá khác rồi đem phơi trên các tấm bạt dưới nắng, chọn những ngày nắng to phơi đúng một nắng, đảo nhiều lần thì cá mới ngon, trắng, thơm, giữ được nguyên vị ngọt, béo của cá tươi và cất giữ được lâu. Sau khi phơi khô, nhặt lại lần nữa cho hết các loại cá tạp rồi đóng gói kín để nơi khô ráo. Thế nên chỉ có mùa nắng thì mọi người ở đây mới làm cá khô, mùa mưa thì phải bán cá tươi, nhu cầu ít hơn nên thu nhập cũng ít hơn.
|
Đó là với những người đánh bắt cá cơm để bán, còn với hầu hết người dân sống ở khu vực Nam Sa Thầy, cá cơm khô là thực phẩm không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Trước đây, khi đường xá đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa, con đường thực phẩm thường xuyên bị cắt đứt thì những món ăn từ cá cơm khô là chủ đạo. Rồi với những gia đình kinh tế còn thiếu thốn, loại thức ăn với giá cả tương đối rẻ như thế này giúp họ vượt qua những ngày cơ cực. Thế nên, nhiều người dân ở đây nói đùa rằng, cá cơm là món quà của vùng đất này giúp họ vượt qua những lúc khó khăn để gắn bó thêm với quê hương mới.
Chị Bùi Thị Huệ (thôn 2, xã Ia Dom) chia sẻ: Mỗi lần có lương là mình mua 3 – 4 ký cá khô để dành, những lúc mưa gió, những khi hết tiền, chỉ cần một ít cá kho với nắm rau hái ngoài vườn là đủ thức ăn cho cả nhà. Một ký cá khô có thể nấu được cả chục lần, vừa rẻ, vừa sạch lại dễ ăn. Chẳng riêng gì nhà mình đâu, nhà nào ở đây cũng vậy, lúc nào cũng trữ sẵn vài ký cá khô để dành làm thức ăn quanh năm.
Không “tiếng tăm đình đám”, không được xếp “top” trên như những đàn anh lăng nha, anh vũ... loài cá cơm nhỏ bé này vẫn chiếm được cảm tình của không ít người khi thưởng thức. Cá cơm đúng là món quà mà dòng Sê San đã ban tặng cho những cư dân sống ở vùng đất Nam Sa Thầy, giúp họ cải thiện bữa ăn, có thêm thu nhập để họ thêm gắn bó với vùng đất khó này.
Thuỳ Hương