Bất tử tình mẫu tử
Tình yêu đầu tiên của con người là tình mẫu tử. Do thế mà tình mẫu tử luôn được tôn vinh và trường tồn kim cổ. Kể cả những hiện tượng tự nhiên, con người cũng có cách lý giải, quy nạp về cho tình cảm thiêng liêng ấy.
Ở làng Đăk Ung, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), hút sâu trong đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ cũng có một biểu tượng thiêng liêng về tình mẫu tử. Đó là thác nước Mẹ Con.
|
Thác Mẹ Con là đầu nguồn con suối Đăk Ung. Đi theo đường tuần biên của bộ đội Biên phòng, từ xa xa đã nghe tiếng thác rì rầm réo rắt như vọng lại lời nỉ non than thở một nỗi niềm riêng sâu thẳm.
Từ ruột núi cao dòng nước trong veo ầm ào đổ xuống, đến lưng chừng thì tách thành hai dòng ôm quanh một tảng đá đen to, xù xì, có dáng người đàn bà nằm ngửa, rồi nhập lại phía khe sâu, tạo nên dòng suối mát lượn lờ ngang qua những bãi bồi phù sa quanh làng Đăk Ung khiến làng Đăk Ung đẹp như một gò nổi giữa bốn bề trùng điệp núi non.
Hằng năm, vào khoảng sau Tết Nguyên đán, đồng bào Jẻ - Triêng ở đây có một lễ hội lớn rước nước từ thác Mẹ Con về làng, gọi là lễ Xen-đuk Kơ-no. Lễ Xen-đuk Kơ-no bắt nguồn từ một truyền thuyết đẹp buồn như nước mắt!
Chuyện kể rằng xưa kia, thời còn những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc để giành quyền lực, của cải và nô lệ, đã khiến một làng Jẻ - Triêng nọ tan tác, số người sống sót chạy thất tán vào rừng sâu ẩn nấp. Trong dòng người trốn chạy ấy có một người mẹ trẻ, sau khi chồng tử chiến để giữ làng, người vợ vội bồng đứa con gái nhỏ nhập theo đoàn người lánh sự truy đuổi, bắt bớ. Chạy miết, chạy miết… Đến khi mẹ con lạc dấu đoàn người, lọt vào một nơi rừng hoang núi thẳm, không còn biết lối nào ra.
Giữa mùa khô khắc nghiệt, đất không đâu còn dòng nước nhỏ. Cũng không tìm đâu ra một thứ cây lá nào ăn được để cầm hơi. Sữa mẹ đã cạn khô, đứa con gái nhỏ đói khát lả dần trong tay mẹ. Người mẹ bất lực ngó trời, ngóng đất, vọng núi, van rừng cầu khẩn. Nhưng cuối cùng cũng đành đau đớn nhìn con lả dần rồi chết lịm trên tay. Người mẹ kiệt sức khẽ khàng đặt con xuống đất, vật nằm kề bên, gối đầu lên tảng đá, nhìn xác con mà khóc. Người mẹ khóc đến không còn khóc nổi nữa thì cũng thiếp dần vào giấc ngàn thu.
Lạ thay, từ bục đá gối đầu đã thấm đẫm dòng nước mắt đau thương của người mẹ trẻ liền xuất hiện một mạch nước trong veo mát rượi tuôn ra. Dòng nước mát chia hai dòng bao quanh đứa bé như vòng tay ôm ấp, rồi chảy xuôi xuống lũng thấp thành con suối nhỏ. Từ đó dòng suối trôi mãi về xuôi, không bao giờ dứt.
Sau bao ngày đói khát tả tơi trong cuộc chạy trốn, đoàn người làng vô tình cũng lạc đến đúng nơi mẹ con người thiếu phụ bất hạnh vừa chết. Họ ngạc nhiên khi gặp ở đây một dòng nước mát của con thác đẹp hoang sơ, bèn bàn nhau tụ lại lập làng.
Một đêm nọ, người già trong làng mộng thấy một người thiếu phụ bồng đứa con gái nhỏ lê từng bước chân mệt nhọc leo lên cầu thang, ngồi ở ngoài nhà chồ nói vọng vào gian bếp, nơi người già đang ngủ bên tàn lửa ấm đêm khuya. Người thiếu phụ kể câu chuyện thương tâm của mẹ con mình. Nghe xong, người già nhận ra ngay đấy chính là vợ người chiến binh đã chết trong trận chiến giữ làng.
Sáng hôm sau, người già cho họp cả làng, kể lại giấc mơ. Làng đồng lòng gọi tên thác là “Mẹ Con” và đặt tên làng là Đăk Ung với ý nghĩa: Đăk là nguồn nước, Ung là tụ hội, họp thành.
Không biết có phải từ sự phù hộ của linh hồn hai mẹ con hay không mà từ đó làng Đăk Ung ngày mỗi thêm đông đúc, sung túc, yên vui. Bà con đều tin như vậy, nên hằng năm ngoài những lễ hội từ trước, làng Đăk Ung còn có lễ Xen-đuk Kơ-no để tưởng nhớ đến mẹ con người đàn bà bất hạnh ấy.
Vào ngày chính lễ, từ sớm tinh mơ, già làng dẫn một phụ nữ khoẻ mạnh, giỏi giang và một bé gái đẹp xinh, lanh lẹ đã được làng chọn cử trước đó, đi lên đầu nguồn thác. Già đặt lễ vật lên tảng đá được cho là nơi người mẹ gối đầu. Lễ vật thường là nắm cơm to với con cá đồng to hoặc con chuột đồng to đã nướng chín. Già khấn xin trời đất, khấn mời mẹ con về chứng kiến và chung vui với dân làng, phù hộ cho năm nay mùa màng bội thu, mọi người khoẻ mạnh, xóm làng yên vui… trong khi hai người phụ nữ mang những trái bầu khô to đẹp mới được làm sạch hứng đầy dòng nước trong trẻo giữa thác để mang về làng. Đây là nước thiêng, sẽ được đặt ở nhà rông thờ phụng. Đến năm sau, khi nước trong bầu đã khô hết thì lại có lễ rước nước mới.
Khi ba người rước nước về làng thì tại sân nhà rông đã đông đủ dân làng quanh cây cột gưng (nêu) với dàn cồng chiêng và đội xoang đang hồ hởi đợi. Tại đây, già làng lại làm lễ đặt nước vào nơi thờ phụng, cầu an cho dân chúng, mùa màng. Phẩm vật mỗi nhà đóng góp tự mang theo đã bày sẵn quanh sân. Mọi người bắt đầu vào hội, ăn uống no say, nói những lời chúc tụng… Cuộc vui kéo hết ngày sang đêm, bên tiếng vọng âm âm của thác và tiếng róc rách ngân nga của con suối ngoài xa.
Bà con làng Đăk Ung từ bé đã nghe người già kể về ý nghĩa của thác, lấy làm tự hào lắm, nên càng yêu làng, yêu thác và nói rằng thác thiêng lắm, không ai dám xúc phạm.
Muốn đến thác Mẹ Con, từ thị trấn Đăk Glei đi theo con đường chạy dọc chừng 20 cây số, qua các cụm làng Đăk Ra, Pen Sen, Đăk Đoát của người Jẻ -Triêng. Đến Đăk Đoát, rẽ theo con đường tách khỏi suối chạy thẳng vào hun hút một vùng núi non che chắn, đến làng Đăk Nhoong, nơi đóng trụ sở UBND xã Đăk Nhoong và đồn Biên phòng. Rồi theo đường tuần biên, qua trung tâm xã chừng 4 – 5 cây số về phía biên giới Việt – Lào, thì gặp thác.
Chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt của con người, một lần nữa, đã được bà con Jẻ - Triêng cụ thể hoá để khắc tạc vào một chứng tích thiên nhiên trường tồn muôn thuở.
Theo các chiến sĩ Biên phòng cho biết, ở đây không chỉ có mỗi một thác Mẹ Con này, mà còn có cả một quần thể thác đến 3 – 4 cái, đều đẹp và hùng vĩ, hoang sơ. Tiếc là cảnh quan thiên nhiên, sinh thái này chưa được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, vì nơi đây là địa bàn quá xa xôi, cách trở.
Thiên nhiên Tây Nguyên đi một bước đường là gặp một cảnh đẹp. Mỗi cảnh đẹp gần như gắn liền với những truyền thuyết đẹp. Những truyền thuyết đẹp chính là trầm tích văn hoá bản địa lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn người Tây Nguyên thêm yêu thêm quý mảnh đất quê hương xứ sở của mình.
T.V.S