Bảo tồn các giá trị của nhạc cụ truyền thống
Nhạc cụ truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng, được chế tác từ các loại chất liệu của núi rừng như tre, nứa, gỗ, vỏ bầu, sừng, da động vật hay từ những hợp kim. Lo ngại trước sự mai một của các giá trị truyền thống, các cấp, ngành và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh đang chung tay gìn giữ, nỗ lực bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của các loại nhạc cụ truyền thống.
Nhạc cụ truyền thống của cộng đồng các DTTS được chia thành các loại gồm bộ gõ, bộ hơi và bộ gảy. Trong đó, bộ gõ có thể xem là loại phong phú với rất nhiều nhạc cụ, tiêu biểu như cồng chiêng, đàn T’rưng, trống và các loại nhạc cụ làm bằng chất liệu tre, nứa, gỗ, da; bộ hơi gồm một số loại phổ biến như: đàn Klông Put, Đinh Tuk, các loại sáo, khèn, Tù và; bộ gảy tiêu biểu như đàn Ting Ning, đàn Goong...
Trong các loại nhạc cụ truyền thống, đặc sắc và tiêu biểu nhất là cồng chiêng với nguồn gốc và lịch sử rất lâu đời, là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được UNESCO tôn vinh là di sản của thế giới vào ngày 25/11/2005. Người DTTS xem cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi trú ngụ của thần, tiếng chiêng là lời gửi gắm tâm tư tình cảm đến với thần linh, theo suốt cuộc đời của mỗi con người thông qua các lễ thức, lễ hội.
|
Các DTTS trên địa bàn tỉnh có những bộ cồng chiêng sử dụng theo cách thức riêng, như người Brâu có chiêng Tha, người Xơ Đăng có chiêng Xteng, người Gié - Triêng có chiêng Ngô, người Hrê có chiêng Ba, người Rơ Măm có chiêng Guông Hanh...
“Theo nghiên cứu, cồng chiêng là nhạc cụ thuộc bộ gõ, hình tròn, ở giữa có núm gọi là cồng, không núm gọi là chiêng. Mỗi bộ cồng chiêng có tên gọi và số lượng khác nhau, có bộ 2 chiếc, có bộ từ 12 - 14 chiếc, cũng có bộ lên tới 20 chiếc. Trong bộ cồng chiêng, cồng thường giữ chức năng đệm còn chiêng thể hiện giai điệu, âm sắc. Về cội nguồn, các nhà nghiên cứu còn cho rằng cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có đồ đồng, người xưa đã tìm đến nhạc cụ đá như cồng đá, chiêng đá, rồi tới chiêng tre, sau mới đến chiêng đồng” - ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
Bên cạnh cồng chiêng, cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh sở hữu nhiều loại hình nhạc cụ truyền thống rất phong phú và đặc sắc. Có thể kể đến dân tộc Xơ Đăng sở hữu nền âm nhạc dân gian phong phú, đa dạng với nhiều hình thức diễn tấu như gảy, vỗ, kéo, gõ...; trong đó bộ gõ tiêu biểu nhất là chiêng X’teng, trống nhỏ, đàn T’rưng, đàn đá; bộ hơi như: đàn K’long put, K’voh (sáo); bộ dây như: Ting Ning, đàn 1 dây; một số khác lợi dụng sức gió, sức nước tạo ra âm thanh như đàn T’rưng nước, đàn gió.
Cũng như các DTTS khác, người Brâu cũng có những nhạc cụ phong phú dưới những hình dạng khác nhau, bao gồm cả bộ gõ, bộ dây và bộ hơi. Các nhạc cụ cũng có nhiều nét tương tự với những dân tộc khác, tuy nhiên có sự khác biệt rõ về kích thước, số lượng, âm thanh và âm vực.
|
Đặc biệt, người Brâu coi chiêng Tha như là vật tổ, là nguồn gốc của mình, được gìn giữ như một báu vật, mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng, tâm linh. Theo tư duy của người Brâu, chiêng Tha không phải là nhạc khí mà là thần linh, vì vậy, người Brâu trong ngôn ngữ không có từ “đánh chiêng” mà dùng từ “goh Tha pơi” với nghĩa là “mời Tha nói”. Để mời Tha nói trước hết phải làm lễ cho Tha ăn, cho Tha uống.
Chiêng Tha gồm hai chiếc là chiêng vợ (Chuar) và chiêng chồng (Jơ Liêng), đều không có núm, nhưng có lỗ ở hai đầu để luồn dây khi biểu diễn. Khi trình diễn chiêng Tha cần có hai người và bốn dùi (gồm hai dùi đực và hai dùi cái), ở các đầu của dùi có bịt vải mềm nhiều lớp rồi cột chặt lại. Chiêng Tha được treo lên khi diễn tấu (có thể treo từ dây cột trên xà nhà thả xuống hoặc treo trên giá), mép thấp của chiêng cách mặt đất khoảng 10cm và treo theo kiểu cùng hướng. Nghệ nhân ngồi đối mặt nhau, người cầm dùi đực ngồi phía lòng chiêng; người cầm hai dùi cái ngồi phía mặt chiêng để kích âm. Họ ngồi bệt xuống đất, 2 chân duỗi thẳng sao cho bàn chân dựng vuông góc với mặt đất, có thể áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm cho chiêng.
Bên cạnh một số nét tương đồng trong cách thức chế tác và trình diễn các loại nhạc cụ, mỗi cộng đồng trên địa bàn đều có những loại nhạc cụ đặc trưng, thế mạnh riêng của mình. Có thể kế đến người Gia Rai ở Kon Tum có một số loại tiêu biểu như: bộ gõ có chiêng Pom Pat, chiêng Honh, trống nhỏ, đàn T’rưng, đàn đá; bộ hơi: K’long pPut, Ding Hlu (ống thổi); bộ dây: đàn Goong, K’ní. Hoặc người H’rê nổi tiếng với chiêng Ba gồm ba chiêng bằng (chiêng con, chiêng đực và chiêng cái lớn nhất), khi đánh dùng tay chứ không dùng dùi, âm thanh của chiêng đực và chiêng cái sẽ đối nhau, còn chiêng con sẽ điều phối và cân bằng âm thanh giữa chiêng đực và chiêng cái. Người Rơ Măm thì nổi tiếng với bộ chiêng Guông Hanh gồm 11 chiếc, có ba cồng và tám chiêng bằng, trong đó, ba cồng được xếp vào nhóm chiêng mẹ, tám chiêng bằng được xếp vào nhóm chiêng con.
Đặc biệt, với người Ba Na- một trong những cộng đồng lâu đời và có dân số đông nhất trên địa bàn tỉnh cũng sở hữu rất nhiều loại nhạc cụ độc đáo, đa dạng về âm điệu và chức năng. Người Ba Na có thể đàn hát ở nhà, trong rừng, trên rẫy hay mỗi khi xuống suối... Trong quá trình lao động sản xuất, người Ba Na đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo, trong đó, nổi tiếng như: Chiêng tre, đàn “Reng Reo” (đàn gió), Đing But (K’long Put), Đing Jơng, Đing Hor (đàn thổi ống), Hool (sáo)...
|
Người Ba Na ở Kon Tum còn nổi tiếng với nhạc cụ Ting Ning, là loại nhạc cụ dành cho nam giới, nhất là các chàng trai chưa vợ vì nó là nhạc cụ dễ làm say lòng các cô gái. Nhờ sự cộng hưởng của quả bầu khô tạo ra âm thanh thánh thót, vang xa, hòa âm dày đặc có sức truyền cảm như cách nói của đồng bào Tây Nguyên “lúc rạo rực như tiếng chim Chơ rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, khi hiền dịu như róc rách suối chảy”.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho biết: “Cùng với các loại nhạc cụ truyền thống, Bảo tàng tỉnh hiện nay đã nghiên cứu, sưu tầm và bảo quản được khoảng 23.401 hiện vật, trong đó, có 66 bộ chiêng và nhiều sưu tập hiện vật khác. Đi đôi với việc sưu tầm và bảo quản, đơn vị còn tổ chức phục dựng nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống của các DTTS, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động trưng bày về di sản văn hóa. Qua đó, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống nói chung và di sản văn hóa cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống nói riêng đến với mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, trân trọng những giá trị di sản văn hóa, lịch sử quý báu gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà”.
Hoàng Thanh