Nguy cơ mất an toàn giao thông trên đèo Lò Xo
Đèo Lò Xo đường Hồ Chí Minh đoạn qua 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Nam. Đèo có chiều dài khoảng 37km với rất nhiều khúc cua tay áo và nhiều đốc dài. Hiện nay, mặt đường lại bị xuống cấp, sụt lún không chỉ gây khó khăn cho phương tiện qua lại mà còn gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đoạn đường đèo Lò Xo là một cung đường đèo nguy hiểm, trước đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đây là cung đường khiến cánh lái xe ngán ngẩm mỗi khi đi qua đây. Để hạn chế tai nạn giao thông, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đầu tư kinh phí tiến hành nhiều vị trí mất an toàn giao thông như gia cố hệ thống hộ lan, hệ thống cảnh báo phản quang mở rộng các khúc cua ngoặt, làm đường lánh nạn và lắp đặt hệ thống hộ lan bằng lốp ô tô cũ để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại sau tai nạn xảy ra. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây đã hạn chế rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên cung đường đèo này.
|
|
Mới đây, tôi có dịp thường xuyên đi qua đoạn đường đèo Lò Xo và nhận thấy một số vị trí bị hư hỏng nặng trước đây đã được tiến hành sửa chữa, khắc phục, đảm bảo việc đi lại được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay, trên tuyến đèo này lại tiếp tục xuất hiện nhiều vị trí bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường xuất hiện nhiều điểm nứt gãy, sụt lún khiến việc đi lại của các phương tiện giao thông khó khăn. Do nền đường bị sụt lún nên làm cho mặt đường dù được đổ bằng bê tông xi măng nhưng vẫn bị nứt, gãy tạo độ chênh trên mặt đường. Thực trạng này rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chính tình trạng sụt lún, nứt mặt đường tạo thành cạnh sắc, xe đi qua rất rễ bị chém, dẫn đến nổ lốp và gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tài xế Nguyễn Văn Hưng (35 tuổi, trú tại thành phố Kon Tum, lái xe cho Công ty TNHH Minh Quốc) cho biết: Là lái xe chuyên nghiệp, tôi thường xuyên đi qua đèo Lò Xo, nhưng hiện tại tôi thấy có nhiều đoạn xuống cấp, bị lún, gãy. Dù đã quen đường nhưng tôi không khỏi lo lắng mỗi khi đi qua đây, đặc biệt là tại những đoạn cua tay áo, khuất tầm nhìn mà đường lại bị sụt lún hư hỏng và nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa lại để không chỉ thuận lợi cho việc đi lại của người dân được an toàn và còn giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Kon Tum (đơn vị được giao quản lý đường), hệ thống mặt đường bê tông xi măng được thi công nhiều năm trước, qua thời gian sử dụng đã lâu nên xuống cấp và xảy ra nhiều vị trí nứt vỡ mặt đường. Đặc biệt, trong mùa mưa năm 2020 và 2021, trên đoạn đèo Lò Xo liên tục xảy ra nhiều trận mưa lũ lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí, gây úng ngập phá vỡ kết cấu nền mặt đường, dẫn đến xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng. Ngoài ra, do địa hình núi dốc, mưa lũ nhiều tạo nên nước ngầm trong lòng đất dưới mặt đường, khi có xe trọng tải lớn đi qua khiến bê tông nứt vỡ. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều đoạn đường hư hỏng trong thời gian gần đây.
|
Ông Trần Thái Hòa- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn tuyến đèo Lò Xo, Chi cục thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý đường thường xuyên kiểm tra, sửa, vá mặt đường bê tông xi măng tạo độ êm thuận tiện cho các phương tiện khi lưu thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi trên tuyến đường này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kiểm tra, đánh giá các điểm bị hư hỏng, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Cục Quản lý đường bộ III để xin bổ sung ngân sách tiến hành xử lý các vị trí hư hỏng này, nhằm bảo đảm an toàn, kiềm chế tai nạn giao thông trên đoạn đường này.
Hà Nam