Hãy hành động, ứng xử văn hóa để giảm nỗi đau tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông đang trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau tột cùng, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và toàn xã hội. Nhiều trẻ em bỗng dưng mất cha mẹ, rơi vào cảnh mồ côi; nhiều người già rơi vào cảnh cô quạnh, đau đớn đưa tiễn con mình dứt ruột đẻ ra. Những cảnh tượng ấy khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đó là nỗi đau do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 11 tháng của năm 2021 (tính đến 15/11), toàn tỉnh xảy ra 75 vụ TNGT, làm 77 người thiệt mạng và 43 người bị thương. Đó là chưa kể hàng chục vụ va chạm giao thông khiến hàng chục người bị thương nhẹ. Ngần ấy người chết cũng đồng nghĩa với từng ấy gia đình phải chịu nỗi đau mất người thân. Và hàng chục người bị thương, bị cảnh mất mát một phần cơ thể cũng bởi TNGT gây ra. Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông thì rất nhiều, tuy nhiên, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì sau các vụ TNGT, người may mắn sống sót thì mang thương tật suốt đời; người không may thì ra đi mãi mãi, để lại những khoảng trống không thể bù đắp cho người ở lại. Nỗi đau mất người, mất của khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn, thậm chí rơi vào cảnh bi kịch.
Một buổi chiều đầu tháng 11, tôi sững sờ nghe tin người bạn tên T (hơn 30 tuổi ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) đã ra đi mãi mãi trong một vụ TNGT. Tới thắp nén nhang, tôi không kìm được nước mắt khi chứng kiến 2 đứa con của anh (đứa 8 tuổi, đứa 3 tuổi) ngơ ngác nhìn ngó mọi người đến chia buồn. Chúng còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện gì nhưng đã phải chịu nỗi mất mát quá lớn. Người mẹ già của T thì khóc cạn nước mắt, ngồi cạnh chiếc quan tài, đau đớn “đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Chứng kiến cảnh tượng ấy khiến ai đến thăm cũng quặn đau, thương xót.
|
Tương tự, mới đây, theo Ban ATGT huyện Ngọc Hồi, chúng tôi đến thôn Dục Nhầy (xã Đăk Nông) thăm hỏi thân nhân gia đình chị Y Lương bị tử vong do TNGT. Trong căn nhà lụp xụp, trống huơ trống hoắc, người bà đau đớn bế đứa cháu nội không cầm được nước mắt khi mọi người đến thăm, chia sẻ, động viên. Chị Y Lương đã ra đi mãi mãi không trở về sau vụ tai nạn tối 9/11 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Chả Nội 2, còn người con trai và một cháu nội thì đang bị thương nặng điều trị tại bệnh viện. Tối hôm ấy, sau khi thăm hỏi người thân ở xã Đăk Nông, anh A Thứp (27 tuổi) chở theo chị Y Lương và 2 con nhỏ (cùng 3 tuổi) trở về nhà tại thôn Dục Nhầy, nhưng khi đến km 1481 đường Hồ Chí Minh đoạn thôn Chả Nội 2 đã xảy ra va chạm với một xe ô tô đi ngược chiều. Vụ tai nạn làm cả 4 người trong gia đình bị thương và được người dân đưa đi cấp cứu, thế nhưng chị Y Lương đã không qua khỏi, còn anh A Thứp cùng một cháu nhỏ bị thương nặng vẫn đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Những hậu quả do TNGT để lại không gì bù đắp được, đặc biệt là sự mất mát về con người, nỗi đau về thể xác cũng như hệ lụy của tai nạn kéo theo. Làm sao để giảm những nỗi đau mất mát ấy trong cuộc sống của chúng ta? Có lẽ ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông vẫn là yếu tố quyết định.
Hãy “Lái xe bằng cả trái tim”, “Tính mạng con người là trên hết”, “Phía trước tay lái là sự sống”; “Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy”, “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Nói không với rượu bia khi tham gia giao thông”… Những khẩu hiệu, những lời kêu gọi ấy không bao giờ thừa với mỗi người khi tham gia giao thông, vì sự an toàn trên mọi con đường và vì hạnh phúc của mọi người. Để không còn những nỗi đau vì TNGT, mỗi người tham gia giao thông hãy tự nâng cao ý thức, có trách nhiệm, ứng xử có văn hóa, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông để ngăn chặn thảm họa TNGT, để bảo vệ an toàn tính mạng của chính mình và cộng đồng, góp phần kiềm chế và từng bước đẩy lùi TNGT…
Phúc Nguyên