Giai đoạn 2016 - 2020: Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Trong 5 năm (giai đoạn 2016-2020) thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế. TNGT trong giai đoạn 2016-2020 đã giảm cả 3 tiêu chí so với giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 341 vụ TNGT, giảm 291 vụ (giảm 46,04%), làm 340 người tử vong, giảm 85 người (giảm 20%) và làm 295 người bị thương, giảm 379 người (giảm 58,33%) so với giai đoạn 2011-2015.
Có được kết quả đó, trong những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chủ động làm tốt chức năng tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả về TTATGT trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ban đã tích cực triển khai thực hiện tốt, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT với nhiều nội dung, hình thức được đổi mới, đa dạng, giúp các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Ngoài ra, ngành chức năng đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT như phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ quy định, điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...Thông qua đó đã tăng sức răn đe và phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm về TTATGT. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã triển khai thực hiện tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, nên tình trạng xe chở quá trọng tải đã giảm hẳn qua từng năm. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh được nâng cao, đã nhận thức được công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ trọng tâm nên đã chú trọng, quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các giải pháp kiềm chế TNGT trên địa bàn....
|
Tuy TNGT giai đoạn 2016-2020 giảm cả 3 mặt nhưng có điều đáng lo là năm cuối của giai đoạn (2020), TNGT trên địa bàn lại tăng cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó cho thấy vẫn còn có những hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Thời gian tới, một số tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nâng cấp, đưa vào sử dụng, như tuyến đường tránh thành phố Kon Tum, đường kết nối với Quốc lộ 24, Quốc lộ 24… giúp cho việc lưu thông trên các tuyến đường nhanh chóng và thuận lợi hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng sẽ xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn TNGT tại các điểm giao cắt mới giữa các tuyến đường chính. Ngoài ra, do kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế và qua thời gian sử dụng đã lâu nên sẽ có nhiều tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống cấp. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao; phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; lực lượng và thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát chưa thể đáp ứng đầy đủ. Do đó, nhiệm vụ công tác bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, công tác giữ gìn TTATGTtrên địa bàn tỉnh sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10% hàng năm, thời gian tới, đòi hỏi sự quyết tâm, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và sự nêu cao ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT... Và đầu tiên, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến toàn thể nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT... góp phần kiềm chế TNGT trên địa bàn.
Hà Nam