Vì sao phải giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng?
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - là một đảng cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng”.
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch phản động tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong đó, chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng tung ra rất nhiều luận điệu, trong đó nổi lên luận điệu sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm cho Đảng biến chất, không còn mang bản chất giai cấp công nhân.
Hoặc, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn mang bản chất giai cấp công nhân, mà là Đảng của nông dân và trí thức.
Những luận điệu tuyên truyền phản động, xuyên tạc ấy đã gây không ít sự ngộ nhận trong các tầng lớp nhân dân, sự mơ hồ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
|
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, tốc độ “trí thức hóa” công nhân đang diễn ra khá nhanh. Và công nhân tri thức đã dần chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động xã hội nước ta.
Trí thức đang chiếm một tỷ lệ cao trong tổng số đảng viên của Đảng và nhiều trí thức là đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Riêng với tỉnh Kon Tum, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Cuối năm 2020, toàn tỉnh có 9.500 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 755 người có trình độ thạc sĩ và tương đương, 36 người có trình độ tiến sĩ.
Tri thức Kon Tum có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ và các doanh nghiệp.
Nhưng điều đó không có nghĩa trí thức là đội ngũ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo xã hội. Mà khi đứng vào hàng ngũ của Đảng, họ phải giác ngộ được sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và đứng trên lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân, tức là mang trong mình bản chất của giai cấp cách mạng.
Thực tế lịch sử cho thấy, một giai cấp đảm nhận vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, lãnh đạo xã hội cần phải có những điều kiện cơ bản sau: Là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ trong xã hội; có hệ tư tưởng riêng; có lợi ích đại diện cho nhiều giai tầng xã hội; có hạt nhân chính trị của giai cấp mình, tức là có chính đảng.
Xét các điều kiện trên thì trí thức và nông dân không đáp ứng được. Trước hết, trí thức là một đội ngũ xã hội đặc biệt; không có hệ tư tưởng độc lập; không có lợi ích đại diện cho nhiều giai tầng xã hội.
Đối với giai cấp nông dân, dù là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, nhưng cũng không thể là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Nguyên nhân là họ không gắn liền với một phương thức sản xuất mới; không có hệ tư tưởng độc lập. Họ cũng không có khả năng tự xây dựng một chế độ xã hội mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ, và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc”.
Trong khi đó, giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất; là giai cấp thực sự cách mạng; đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân lao động, với mục tiêu chung là xóa bỏ ách áp bức, bóc lột lao động làm thuê, xóa bỏ mọi bất công của xã hội, xây dựng một xã hội mới công bằng, bình đẳng, tiến bộ.
Giai cấp công nhân có hệ tư tưởng riêng, đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, có đội tiên phong của giai cấp mình là đảng cộng sản.
|
Cũng như các đảng cộng sản khác, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Do đặc thù của cách mạng Việt Nam, sự ra đời của Đảng ta còn là sự kết hợp với phong trào yêu nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam để thành lập Đảng.
Nhờ đó, Ðảng ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm tốt sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, giành độc lập dân tộc và đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn khẳng định giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Như vậy có thể thấy rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bản chất giai cấp công nhân của Đảng rất biện chứng, khoa học, phù hợp với dân tộc, khắc phục được hai khuynh hướng cực đoan: Một là phủ nhận, xóa nhòa bản chất giai cấp công nhân của Đảng, hai là hiểu bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo nghĩa hẹp hòi, tách rời giai cấp công nhân khỏi nhân dân lao động và dân tộc.
Việc giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng là để Đảng có “sức mạnh vô địch” bảo đảm hoàn thành thắng lợi sứ mệnh mà nhân dân giao phó. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về nội dung bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Đồng thời vạch rõ luận điệu xuyên tạc, không có cơ sở khoa học, thiếu căn cứ thực tiễn về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, từ đó kiên quyết đấu tranh bác bỏ các luận điểm sai trái, xuyên tạc ấy.
Sông Côn