Sức bật từ một Nghị quyết - Bài 1: Nghị quyết mở lối từ thực tiễn
Với Kết luận số 237-KL/TU ngày 8/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 19/8/2016 của Tỉnh ủy khóa XV về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới đã kết thúc sứ mệnh của mình. Điểm lại 5 năm qua, có thể khẳng định, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XV đã đem lại sức bật mạnh mẽ ở các xã đặc biệt khó khăn.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, từ đó khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục những vướng mắc, hạn chế, tồn tại để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Một trong số đó là Nghị quyết 04-NQ/TU, một nghị quyết được mở lối từ thực tiễn, đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.
Từ Chỉ thị 10 “mở lối”
Trong suốt quá trình phát triển của tỉnh từ khi thành lập lại (tháng 8/1991) đến khi Nghị quyết 04-NQ/TU khóa XV ra đời, không khó để nhận thấy rằng, hỗ trợ các xã khó khăn vươn lên luôn được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, với hệ thống văn bản chỉ đạo đồng bộ, không ngừng được đổi mới để phù hợp với thực tiễn, mang lại chuyển biến tích cực cho diện mạo vùng sâu, vùng DTTS cũng như đời sống người dân.
Khởi đầu là Chỉ thị 10-CT/TU, ngày 28/3/1994 cùa Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về xây dựng các xã vùng cao, biên giới, với mục tiêu hướng các hoạt động về cơ sở; tập trung mọi nguồn lực làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao dân trí; hướng dẫn, giúp đỡ bà con vùng sâu vùng đồng bào DTTS thoát khỏi đói nghèo.
Điều đặc biệt nhất cho thấy quyết tâm của tỉnh là lúc bấy giờ dù nguồn thu chỉ được 5 tỷ đồng/năm nhưng vẫn quyết định hỗ trợ cho 2 huyện khó khăn nhất là Đăk Tô và Đăk Glei 1 tỷ đồng/huyện để tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, như trồng cà phê, chăn nuôi...
Ngày 25/5/1996, Chỉ thị 10-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được nâng lên thành Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào DTTS, vùng kinh tế mới khó khăn”. Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức, phân công các cơ quan, đơn vị của tỉnh kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn, bám làng, nắm hộ, phổ biến, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, huyện; tham mưu, giúp xã xây dựng, triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền hàng năm.
|
Ngày 14/6/2007, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII bổ sung, ban hành Nghị quyết số 04 –NQ/TU về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”. Từ khi được ban hành đến tháng 8/2016, đã có 13.961 lượt cán bộ của các cơ quan, đơn vị của tỉnh kết nghĩa xã được phân công xuống 53 xã đặc biệt và trọng điểm đặc biệt khó khăn.
Thông qua việc phối hợp với các lực lượng xây dựng xã bám làng, nắm hộ, phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết đề ra; vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, huyện…, các đơn vị kết nghĩa xã đã góp phần củng cố mối quan hệ sâu sắc giữa Đảng và dân; góp phần làm nên chuyển biến mạnh mẽ các mặt đời sống xã hội của các xã vùng sâu vùng xa.
Sự tiếp nối cần thiết
Ngày 19/8/2016, Tỉnh ủy khóa XV ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tiếp tục xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tình hình mới. Đây là sự kế thừa và phát triển Chỉ thị số 10-CT/TU, Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 25/5/1996, Nghị quyết 04-NQ/TU (khóa XIII) ngày 14/6/2007.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Ka Ba Tơ- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận định đây là bước tiếp nối cần thiết, đảm bảo tính hệ thống trong xây dựng, phát triển vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, chương trình mục tiêu; phát huy tối đa nội lực và tính chủ động ở cơ sở, đề cao tính tự lực, tự cường của nhân dân; tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững trên địa bàn 51 xã đặc biệt khó khăn.
Phấn đấu đến năm 2020, có trên 30% số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6 đến 8%/năm; 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% thôn (làng) có tổ chức đảng. Đến năm 2025, có trên 50% số xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Để hoàn thành mục tiêu trên, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh khá nặng nề.
Trước hết, phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời hướng dẫn xã xây dựng mô hình kinh tế hộ có hiệu quả và nhân ra diện rộng. Tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo...
Tăng cường bám, nắm địa bàn, làm tốt công tác vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Định hướng, hướng dẫn xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy chế, quy trình giải quyết công việc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở cơ sở phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thành Hưng