Phòng, chống tham nhũng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Tham nhũng là biểu hiện nghiêm trọng của sự tha hóa quyền lực ở cán bộ công chức, ở các cấp cơ quan lãnh đạo quản lí. Nạn tham nhũng từ lâu đã được Đảng ta chỉ rõ là “nội xâm”, một trong những nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ, làm xã hội trì trệ và quốc gia không thể hưng thịnh. Phòng, chống tham nhũng luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Nhìn nhận một cách khách quan, tham nhũng là vấn nạn không phải chỉ riêng ở một quốc gia nào mà mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới. Nó xuất phát từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cá nhân người đương quyền đương chức. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào nắm quyền lãnh đạo đất nước. Do đó, việc các thế lực thù địch, phản động rêu rao rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”, thực chất là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, nói xấu nhằm chống phá, làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy cam go, phức tạp. Đảng ta luôn nỗ lực đẩy mạnh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt những kết quả tích cực, là minh chứng thực tiễn bác bỏ luận điệu xuyên tạc. Những giọng điệu xuyên tạc, bịa đặt không làm suy giảm quyết tâm phòng, chống tham nhũng của của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chủ trương: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”.
|
Chính phủ, các bộ, UBND các cấp và các cơ quan nhà nước khác đã thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai sâu rộng…. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.
Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Điều này đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực ”. Quyết tâm đó đáp ứng niềm tin và nguyện vọng của nhân dân về một bộ máy hành chính công vụ trong sạch, vững mạnh.
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa, cần phải phát huy và pháp lí hóa những công cụ kiểm soát quyền lực trên diện rộng, đặc biệt là thúc đẩy hơn nữa vai trò của cơ quan báo chí, vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng rất cần hoàn thiện một cách chặt chẽ để làm công cụ pháp lí kiểm soát quyền lực.
Cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Kết quả tích cực bước đầu cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân sẽ là động lực để công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ, quyết liệt và sâu rộng hơn, nhằm xây dựng và chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Vũ Ngọc Đức