Niềm tự hào và biểu tượng thiêng liêng
Từ rất lâu rồi, tên gọi Ngục Kon Tum đã trở thành niềm tự hào, thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, sức mạnh quật cường và sự kiên trung với Đảng của đất và người vùng cực bắc Tây Nguyên.
Nằm trong khuôn viên rộng gần 3ha bên bờ sông Đăk Bla, Ngục Kon Tum ngày nay là điểm tham quan đầy ý nghĩa của du khách trong và ngoài nước khi đến với mảnh đất Kon Tum kiên cường.
|
Địa chỉ đỏ cách mạng...
Dù đã đến Ngục Kon Tum nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, trong tôi luôn trào dâng cảm xúc mãnh liệt và niềm tự hào về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của những chiến sĩ cộng sản bị kẻ thù giam cầm nơi đây. Trong tiếng gió xào xạc dưới vòm cây, tôi như nghe tiếng hô tranh đấu với kẻ thù của các bậc tiền nhân vẫn còn vang vọng…
Sau thất bại của Cao trào cách mạng Xô Viết-Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp xây dựng Ngục Kon Tum để đưa tù chính trị lên giam cầm, nhằm thực hiện ý đồ lợi dụng Kon Tum - một vùng đất hoang vắng, nơi rừng thiêng, nước độc để giết dần, giết mòn các tù chính trị cộng sản; đồng thời cung cấp nhân công làm đường 14.
Thế nhưng, ngục tù đen tối và sự dã man của kẻ thù đã không những không làm nhụt chí khí của những người cộng sản mà lại trở thành “trường học cách mạng”, là nơi hun đúc ngọn lửa cách mạng; điều thực dân Pháp không ngờ tới. “Địa ngục trần gian” trở thành địa chỉ đỏ gieo những hạt giống cách mạng.
Tại đây, trong hoàn cảnh bị giam cầm, đồng chí Ngô Đức Đệ - một chiến sĩ cộng sản kiên trung - đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, để đến giữa tháng 9/1930, lần lượt kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã ra đời ngay tại nhà Ngục Kon Tum (Chi bộ Binh).
Mặc dù bị địch phát hiện, đàn áp dã man, nhưng các đảng viên cộng sản đã gieo vào nhân dân các dân tộc Kon Tum một tinh thần yêu nước, một ý chí đấu tranh quật cường, đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai.
Những con người bị đầy đọa trong cái địa ngục trần gian ấy đã càng ngày càng siết chặt đội ngũ, đấu tranh sống mái với kẻ thù tàn bạo. Tại ngục Kon Tum, đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các chiến sĩ cộng sản, điển hình là cuộc biểu tình ngày 12/12/1931 để phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường 14 ở Đăk Pao, Đăk Pét trong điều kiện vô cùng cực khổ. Thực dân Pháp đã xả súng vào những tù chính trị làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đến ngày 16/12/1931, cuộc biểu tình chuyển sang biểu tình tuyệt thực. Thực dân Pháp lại thẳng tay đàn áp. Chúng xả súng bắn chết và làm bị thương 14 người nữa (theo Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến).
Chính trong những ngày đẫm máu ấy, đã xuất hiện những tấm gương sáng ngời khí tiết của người chiến sĩ cộng sản Việt Nam trong nhà tù đế quốc như Trương Quang Trọng, “bình thường là người ôn hòa, thuần hậu” nhưng trong cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931, anh bình thản, hiên ngang đứng ra chết thay cho đồng chí và đã hy sinh oanh liệt; Nguyễn Lung, người đầu tiên đứng ra đối đáp đanh thép với kẻ thù, tư thế hiên ngang, “hô to các khẩu hiệu để cổ vũ khuyến khích anh em quyết tâm phấn đấu cho đến cùng...”.
Chính hạt giống đỏ ấy đã nhen nhóm và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh bất khuất, kiên cường của nhân dân các dân tộc Kon Tum; tiếp thêm sức mạnh và niềm tin để nhân dân các dân tộc Kon Tum vững bước trên con đường cùng cả nước đấu tranh giành lại độc lập, xây dựng xã hội mới-XHCN; tích cực thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH...
Và biểu tượng thiêng liêng
Trải qua bao biến cố, thăng trầm, dù phải chịu sự tàn phá của thời gian, Ngục Kon Tum vẫn sừng sững bên dòng Đăk Bla hiền hòa, mãi mãi là chứng tích của những năm tháng tranh đấu hào hùng, đầy máu và nước mắt của dân tộc nói chung, đất và người Kon Tum nói riêng và là điểm hẹn truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ khí thiêng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
|
Hàng ngày, Ngục Kon Tum vẫn mở cửa đón du khách đến viếng anh linh các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống.
Khu di tích cũng đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm. Trong một lần đến thăm di tích lịch sử cách mạng Ngục Kon Tum, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã xúc động viết: “Tổ quốc ta mãi mãi ghi nhớ tấm gương dũng cảm của các đồng chí! Vinh quang mãi mãi thuộc về dân tộc ta, Đảng ta, trong đó có các đồng chí đã đấu tranh dũng cảm và đã hy sinh tại nhà lao này!”.
Chị Trình Thị Mai (cán bộ thuyết minh tại Di tích) chia sẻ, hàng ngày có nhiều bạn trẻ đến đây thắp nhang tưởng niệm và viết lưu bút: “Được xem lại những hình ảnh tại nhà ngục Kon Tum càng thấy biết ơn những chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hy sinh biết bao xương máu của mình vì độc lập - tự do cho dân tộc. Xin nguyện cống hiến hết sức mình để xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”…
Còn ông Hồ Anh Dũng– cháu nội của đồng chí Hồ Tùng Mậu (tù chính trị tại nhà Ngục Kon Tum) trong một lần ghé thăm nhà ngục này đã vui mừng viết: “Chúng tôi là con cháu, thân nhân của những nhân chứng trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh và đã từng bị đày ải ở nhà tù Kon Tum vô cùng xúc động và cũng vui mừng chứng kiến việc Đảng bộ, nhân dân và nhất là thế hệ trẻ Kon Tum tiếp tục phát huy truyền thống, lập nhiều thành tích, thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương Kon Tum anh hùng và tươi đẹp”.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó trưởng ban quản lý di tích Ngục Kon Tum chia sẻ thêm: Sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia (năm 1988), bước đầu Ngục Kon Tum đã được đầu tư tôn tạo một số hạng mục như phần mộ các đồng chí đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết; phòng trưng bày; cổng di tích… Từ năm 1999-2009, Khu di tích tiếp tục được tôn tạo lần 2 với những hạng mục công trình quy mô và hoành tráng hơn như: hai ngôi mộ của các đồng chí đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực; Bia di tích (gò đất); nhà trưng bày; khuôn viên cây xanh… Từ năm 2009 đến nay, đã tiến hành cải tạo lại cảnh quan di tích; phục chế một số hiện vật liên quan đến di tích nhằm phục vụ công tác trưng bày. Và hiện nay, di tích đang được tỉnh Kon Tum lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục phục dựng, tôn tạo để Ngục Kon Tum trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt, xứng đáng với giá trị truyền thống lịch sử vốn có.
Tú Quyên
Góp phần bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, Ban quản lý di tích Ngục Kon Tum thực hiện mở cửa đón khách hàng ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, Tết. Theo thống kê của Ban quản lý di tích, tính từ tháng 7/2010 đến nay, đã có khoảng 50.000 lượt du khách đến tham quan di tích này. Nhiều trường học trong tỉnh đã chọn Ngục Kon Tum là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh, sinh viên; là nơi tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên…T.Q |