Những đảng viên gương mẫu ở Đăk Ri Peng I
Ở Chi bộ thôn Đăk Ri Peng I (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô), gần 10 năm trở lại đây, 100% đảng viên đều gương mẫu không sinh con thứ 3, đồng thời là những điển hình phát triển kinh tế gia đình khá, giàu. Họ tích cực giúp người dân thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để xây dựng thôn làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch nông sản khá bận rộn, nhưng khi chúng tôi về thôn Đăk Ri Peng I liền được Bí thư chi bộ Y Dên nhiệt tình đưa đi thăm nhà các đảng viên tiêu biểu.
Bà Y Dên giới thiệu, 10 năm qua, các đảng viên trong chi bộ thôn Đăk Ri Peng I đều không sinh con thứ 3. Việc làm gương thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình của đảng viên đã được bà con học tập theo. Đến nay, thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, gần 200 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con đã thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp, đạt 100% kế hoạch đề ra hàng năm.
“Đi đầu làm tốt công tác trên là vai trò, trách nhiệm gương mẫu của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đăk Ri Peng I” - bà Y Dên nói. Tiếp lời Bí thư chi bộ, đảng viên Y Mối - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết, bản thân chị đã thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về kế hoạch hóa gia đình, với việc sinh và chăm sóc đầy đủ cho con gái lên 4 tuổi.
|
Chị Y Mối chia sẻ thêm: Ngoài thực hiện gương mẫu trong công tác, tôi còn chăm chỉ tăng gia sản xuất 2ha mì, 1ha cao su và 2 sào lúa ruộng, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Đối với công tác địa phương, hàng tuần, tôi đến từng nhà hội viên để trò chuyện, tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình; nhắc nhở, động viên người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế gia đình, tham gia vệ sinh môi trường… Chi hội Phụ nữ thôn còn quan tâm giúp 160 hội viên phụ nữ được vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế với tổng dư nợ gần 2,6 tỷ đồng. Đến nay, các chị sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất đúng mục đích, hiệu quả và không có nợ xấu.
Gương mẫu ở thôn Đăk Ri Peng I còn có đảng viên trẻ A Khun. Anh hiện là Bí thư chi đoàn và là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở thôn này. Qua tìm hiểu, ở tuổi 32, A Khun có 2ha cà phê, 2ha mì, 1ha cao su, cho thu nhập hàng năm (sau khi trừ các chi phí đầu tư) 150 - 200 triệu đồng.
Theo A Khun, thời gian qua, chủ trương phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước rất đúng đắn, nhất là việc vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tiến tới phát triển kinh tế gia đình từ đồng ruộng. Nhưng muốn bà con mạnh dạn đại trà đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thì cán bộ, đảng viên, hội viên phải đi trước.
|
Anh nhớ lại, năm 2010, sau thời gian dài tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về nội dung trên, các tổ chức đoàn thể tổ chức cho bà con đi tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện, tỉnh. Tuy nhiên, không ít hộ chần chừ, chưa tin, chưa thực hiện chuyển đổi cây trồng mới. Do đó, các tổ chức đoàn thể của thôn đã kêu gọi hội viên (trong đó có A Khun là đoàn viên thanh niên tại chỗ) đi đầu thay đổi cách thức sản xuất mới cho năng suất khá hơn như trồng cây cao su, mì cao sản, cà phê thay cho lúa rẫy, bắp không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kiên trì từ năm 2010-2012, A Khun, Y Mối, hội viên nông dân A Khoai đã trồng thí điểm 3ha mì cao sản cho năng suất cao. Lợi ích của các giống mì cao sản lúc đó là, đa phần cho thời gian trồng và thu hoạch 8 tháng/năm, quá trình gieo trồng và chăm sóc đều giảm công làm cỏ, nhưng tăng năng suất gấp đôi các giống mì cũ. Đi đầu sản xuất mẫu như thế, hai năm liên tiếp, các gia đình trên đã cho thu hoạch 38-45 tấn mì/ha/năm, so với năng suất giống mì địa phương tăng 15-20 tấn/ha. “Điều này đã cho người dân thấy lợi ích khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi” - A Khun nhận xét.
Những năm tiếp theo, A Khun mạnh dạn thuê đất nông nghiệp bỏ hoang, cho năng suất thấp của bà con để đầu tư phân bón, trồng 5ha mì cao sản, mang về hàng trăm triệu đồng lợi nhuận. Khi có trong tay số vốn kha khá, anh đã mua đất trồng 2ha cà phê, 1ha cao su và duy trì sản xuất 1ha mì. Không chỉ tìm hướng đi mới cho sản xuất gia đình, A Khun còn tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho các đoàn viên thanh niên ở thôn về kỹ thuật trồng và chăm sóc mì cao sản.
Chính sự nêu gương của các đảng viên trong thôn đã thuyết phục, tạo được niềm tin để các hộ dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, toàn thôn có 87/95ha mì trồng giống cao sản, 85ha cà phê và 15ha cao su. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đưa số hộ có mức thu nhập trung bình lên 494/550 hộ, số hộ khá giàu lên 40 hộ, chỉ còn 16 hộ nghèo, cận nghèo.
Ghi nhận sự tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nêu gương của các đảng viên nơi đây, từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy xã Tân Cảnh luôn đánh giá, xếp loại chi bộ thôn Đăk Ri Peng I hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 8/11 đảng viên là điển hình trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, nêu gương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở địa phương.
Mai Trâm