Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra, gần 3 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn với quyết tâm cao, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục khởi sắc.
Quy mô tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) đến cuối năm 2023 ước đạt khoảng 34.100 tỷ đồng, gấp 1,32 lần năm 2020; tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá, bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 8,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 57,8 triệu đồng, gấp 1,24 lần năm 2020 và đạt 82,53% mục tiêu đến năm 2025. Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4.500 tỷ đồng, gấp 1,28 lần năm 2020 và đạt 90% mục tiêu.
|
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai quyết liệt. Chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021. Có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh; đã thu hút được 53 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 16.226,9 tỷ đồng; có 985 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 65,7% mục tiêu).
Lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu; các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được mở rộng diện tích. Đã thu hút được một số dự án chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm triển khai. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được triển khai quyết liệt, nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63,12%.
Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2023 bình quân tăng 16,51%/năm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng trưởng 15,37%/năm; kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng bình quân 7,39%/năm, ước thực hiện năm 2023 đạt khoảng 353 triệu USD, đạt 141,2% mục tiêu. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngành du lịch vẫn có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, tổng lượng khách bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 38,59%/năm, ước năm 2023 đạt 1,5 triệu lượt khách.
Công tác xây dựng nông thôn mới đem lại kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023 dự kiến có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,33% mục tiêu; 10 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 19 thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn, biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, thì các hoạt động văn hóa-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được chú trọng triển khai và đạt hiệu quả; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước năm 2023 đạt 55,7%, đạt 92,83% mục tiêu; số lao động được tạo việc làm là 13.456 người. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng DTTS từng bước được cải thiện và có nhiều chuyển biến tích cực; phổ cập giáo dục tiếp tục được giữ vững và nâng cao.
Mạng lưới y tế được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh có bước cải thiện rõ rệt; tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ y tế ngày một tốt hơn. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với từng thời điểm, địa bàn và đem lại hiệu quả cao, được nhân dân ghi nhận.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp; các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Công tác giảm nghèo được chỉ đạo triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến rõ rệt, năm 2022 giảm còn 10,86% hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025). Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS được tổ chức thực hiện tốt. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỷ lệ hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất đạt khoảng 98,5%.
Chính trị ổn định, quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, chất lượng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân được củng cố. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Nguyễn Quang Thủy