Nghiêm minh, chặt chẽ trong lấy phiếu tín nhiệm
Để triển khai Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy trình, nghiêm minh, chặt chẽ, ngày 30/6/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 102-KH/TU thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây là nội dung quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách, mức độ uy tín của cán bộ trong diện lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng có kế hoạch đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, đồng thời giúp mỗi cán bộ một lần nữa “tự soi”,“tự sửa”.
Kế hoạch nêu rõ, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, với Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu), lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đại biểu HĐND tỉnh (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội), thời gian thực hiện theo quy định của Quốc hội; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh (không là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy), trưởng các ban của HĐND tỉnh, các thành viên khác của UBND tỉnh lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đại biểu HĐND tỉnh (theo quy định của Quốc hội), lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị giám đốc sở, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc HĐND tỉnh và UBND tỉnh, thời gian thực hiện theo quy định của Quốc hội; Trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương thuộc tỉnh, phó giám đốc sở và tương đương lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đại biểu HĐND tỉnh (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội), thời gian thực hiện theo quy định của Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị cán bộ lãnh đạo mở rộng của sở, ban, ngành và tương đương thuộc tỉnh, thời gian hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm trước 1/8/2023; Trưởng, phó Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh lấy phiếu tín nhiệm tại cuộc họp ủy viên đoàn chủ tịch, ủy viên ban chấp hành, thời gian hoàn thành trước 1/8/2023.
|
Đối với cán bộ lãnh đạo các huyện, thành phố, các chức danh, chức vụ là bí thư, phó bí thư cấp ủy, ủy viên ban thường vụ cấp ủy là phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND huyện, thành phố lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị ban chấp hành Đảng bộ huyện, thành phố, thời gian thực hiện sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND huyện, thành phố bầu, lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đại biểu HĐND huyện, thành phố (nếu thuộc đối tượng theo quy định của Quốc hội); đối với Phó chủ tịch HĐND, UBND huyện, thành phố (không là ủy viên ban thường vụ cấp ủy), trưởng các ban của HĐND huyện, thành phố, các thành viên khác của UBND huyện, thành phố lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đại biểu HĐND huyện, thành phố (theo quy định của Quốc hội), lấy phiếu tín nhiệm tại hội nghị trưởng phòng, ngành, trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc HĐND và UBND huyện, thành phố.
Với các tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc; thái độ phục vụ nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; ý thức kỷ luật, chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; sự phân công của tổ chức; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con… thì việc tổ chức thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm chính là một trong những “thước đo” hiệu quả tư cách, phẩm chất, năng lực, hoạt động của các cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Kế hoạch đưa ra những quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ, từ việc đưa ra khỏi quy hoạch, xem xét cho thôi giữ chức vụ, đến miễn nhiệm, bố trí công tác khác (thấp hơn) vừa để cấp ủy các cấp đánh giá, bố trí cán bộ vừa để các cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhận thấy những hạn chế, khuyết điểm và phải không ngừng “tự soi”, “tự sửa”. Kế hoạch 102 nêu rõ: “Những trường hợp có trên 50% nhưng có dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm theo thẩm quyền quy định. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định theo thẩm quyền trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi”.
Kế hoạch 102 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Quy định 96 thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tại địa phương có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Vấn đề còn lại là các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo quy trình, thực chất, khách quan, minh bạch. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải cung cấp đầy đủ thông tin, trung thực, chính xác; người bỏ phiếu phải công tâm, khách quan, phát huy tinh thần trách nhiệm, qua đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ.
Nguyên Phúc