Ngành Tuyên giáo tỉnh: Những bài học kinh nghiệm từ chặng đường 91 năm lịch sử
Cách đây 91 năm, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng - tổ chức tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày nay đã ra đời. Cùng năm ấy, tại tỉnh Kon Tum, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum (Chi bộ Binh) được thành lập vào cuối tháng 9/1930, sau thời gian đồng chí Ngô Đức Đệ - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam ở Nhà lao Kon Tum tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, huấn luyện, thử thách và kết nạp những viên cai, đội vào hàng ngũ của Đảng. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên ánh sáng cách mạng của Đảng đã được truyền đến Kon Tum.
Kể từ đó, công tác tư tưởng - tuyên giáo đã đi cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Kon Tum. Chặng đường lịch sử 91 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Tuyên giáo tỉnh Kon Tum đã để lại cho những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum hôm nay những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Đó là:
Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên là kết quả của quá trình vận động, tuyên truyền (công tác tư tưởng). Hoạt động tuyên truyền cổ động của chi bộ đã thường xuyên vạch trần tội ác và các thủ đoạn áp bức bóc lột của địch, giải thích về con đường cứu nước, cứu dân gắn với cuộc đấu tranh của quần chúng giành quyền dân sinh, dân chủ. Từ đó, tạo tiền đề về tư tưởng nhận thức, góp phần quyết định thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Kon Tum, giành chính quyền về tay nhân dân một cách hoà bình. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc với hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, công tác tư tưởng đã đi trước, đi cùng để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Kon Tum thấu suốt đường lối cách mạng, đứng lên chiến đấu và quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác tư tưởng cũng luôn được Đảng bộ quan tâm đặt lên hàng đầu và tiến hành thường xuyên cùng quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, bồi dưỡng lý luận dưới nhiều hình thức được Đảng bộ quan tâm.
|
Ở tỉnh Kon Tum, đã có thời gian công tác tuyên giáo đứng trước bờ vực của lòng tin. Đó là những ngày tháng Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp các vùng truy bức nhân dân; rồi đến những thủ đoạn bình định đặc biệt dã man của địch triển khai khắp địa bàn toàn tỉnh. Đã có một số cán bộ, đảng viên hoang mang dao động làm cho dân mất niềm tin, xa lánh, nhưng sự kiên gan bền trí có hệ thống của cả đội ngũ đã nâng bước tinh thần cho nhân dân. Trải qua sóng gió, đồng bào vẫn kiên trung một lòng, không ngại hy sinh, xây dựng cơ sở, phục vụ chiến đấu dưới sự dẫn dắt của đội ngũ cán bộ tuyên truyền. Kết quả đó chỉ có thể có được trên một nền tảng tư tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến và niềm tin vững bền vào cách mạng. Từ lòng tin vào Đảng, nhân dân quyết tâm giữ liên lạc, nắm vững đường lối chính sách của Đảng và tự tin ở sức mình, đoàn kết chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Công tác tư tưởng của Đảng bộ đã bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, đồng thời xuất phát từ thực tiễn và bám sát thực tiễn. Trong quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, công tác tư tưởng đã thể hiện tính chiến đấu, bám sát thực tiễn, lấy mục đích phục vụ nhân dân lên trên hết, và từ đó đưa ra giải pháp hợp lý. Qua tổng kết thực tiễn đúc rút các kinh nghiệm đề xuất sửa đổi, bỏ những nội dung không hợp lý, lạc hậu; bổ sung những điểm mới, các sáng kiến có hiệu quả từ cơ sở. Trong từng lúc, biết đưa ra những cuộc vận động phù hợp, đưa ra những khẩu hiệu hành động trước mắt để tập hợp quần chúng, đồng thời cũng có những khẩu hiệu lâu dài để hiệu triệu nhân dân. Trên tinh thần đó, đổi mới từ khâu ra nghị quyết, triển khai quán triệt và học tập nghị quyết; tài liệu học tập và phương thức truyền đạt nghị quyết cần bám sát đối tượng. Điển hình như việc thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU (nay là Nghị quyết 04-NQ/TU) về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn” hay Nghị quyết 05-NQ/TU về “Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2008-2015”…
Muốn huy động được sức mạnh đoàn kết các dân tộc thực hiện sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, công tác tuyên giáo phải kịp thời nắm bắt tâm trạng, tư tưởng, nguyện vọng xác đáng của nhân dân, từ đó chủ động, kịp thời tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, ngành Tuyên giáo tỉnh đã chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân với những nội dung, khẩu hiệu đi sâu vào đời sống của đồng bào như “thương dân, yêu nước, đứng lên làm cách mạng”, phong trào vệ sinh phòng bệnh “3 sạch”, phong trào tăng gia sản xuất tự túc và ủng hộ kháng chiến với khẩu hiệu “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “xuống nà, ra ruộng”... Trong vùng ta làm chủ thì có các cuộc vận động, các lớp học tập chính trị, các cuộc họp bàn việc làng, các lớp học chữ, các cuộc vận động ăn sạch, ở sạch, uống sạch, các cuộc trò chuyện hàng ngày, trò chuyện hàng đêm bên bếp lửa, quanh ché rượu cần. Kết hợp giữa học tập trung với tuyên truyền miệng ở mọi nơi, mọi lúc là cách làm hiệu quả nhất. Trong vùng địch kiểm soát thì kết hợp giữa vũ trang tuyên truyền với tuyên truyền miệng của cán bộ, rỉ tai, truyền tai của cơ sở, nòng cốt, quần chúng tốt và tận dụng báo chí công khai, phát huy việc tuyên truyền của phong trào Phật giáo và học sinh chống Mỹ.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại và đa dạng, các trang mạng xã hội ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong đời sống, ngành Tuyên giáo đã và đang chủ động sử dụng để làm cho công tác tư tưởng nhanh nhạy và có hiệu quả hơn, đồng thời phải quản lý tốt để đấu tranh và ngăn chặn luồng thông tin xấu, độc hại, cải tiến các hình thức phương pháp mới như các hội thi, đối thoại, giảng dạy trên truyền hình, các trang mạng xã hội… Công tác tuyên giáo tham gia một cách chủ động, tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Và ngược lại công tác tuyên giáo được toàn Đảng bộ, toàn hệ thống chính trị và toàn thể đồng bào các dân tộc cùng thực hiện; ở đó lực lượng tiên phong là cấp ủy, đảng viên; lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách công tác tư tưởng; cùng sự ủng hộ toàn diện của nhân dân.
Một vấn đề rất quan trọng trong việc gắn liền công tác tuyên giáo với công tác tổ chức, với phong trào quần chúng là thái độ gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tổ chức và hoạt động thực tiễn cũng là cái vỏ vật chất cho sự tồn tại của tư tưởng. Nếu cán bộ, đảng viên, nhân dân được sinh hoạt trong một tổ chức trong sạch, vững mạnh, hoạt động trong một phong trào sôi nổi thì tư tưởng tiến bộ ngày càng nảy nở, phát triển, tư tưởng lạc hậu bị đẩy lùi. Là đảng tiên phong thì tổ chức đảng và đảng viên phải phát huy được vai trò tiên phong. Công tác tư tưởng gắn với công tác tổ chức, với phong trào hành động cách mạng mới rèn luyện được một đội ngũ đảng viên như vậy. Cũng chỉ như vậy công tác tư tưởng mới nâng cao được hiệu quả tư tưởng, tình cảm, lối sống, nhân cách con người mới Việt Nam.
Ngày nay, nước ta hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, những thuận lợi và nguy cơ, thách thức đan xen. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, các thế lực thù địch lợi dụng nhiều kênh thông tin để tiến hành âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá Đảng, chống phá cách mạng, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Thực tiễn đòi hỏi những người làm công tác tuyên giáo cần có sự vững vàng về tư tưởng chính trị, vững vàng về kiến thức, năng lực công tác, sự nhạy bén, năng động… hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta - với niềm tự hào và biết ơn với thế hệ cha anh sẽ nguyện không ngừng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng, trau dồi để “vừa hồng, vừa chuyên” như lời Bác dạy, để xứng đáng khi được đứng trong hàng ngũ những người làm công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.
Trần Thị Sáu