Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng
Nghị quyết, chỉ thị của Đảng là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Đây cũng là khâu đầu tiên, quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, là tiền đề bảo đảm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi trong các nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã được các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng các văn bản để triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức và chỉ đạo các cấp triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng tinh thần Quy định 1032-QĐ/TU, ngày 11/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy”.
Các hội nghị học tập, quán triệt ở cấp tỉnh tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến 10 huyện, thành phố và một số xã, thị trấn, đảm bảo tiết kiệm về thời gian, kinh phí. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt và tích cực rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Qua đó, chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ngày được nâng cao; hầu hết cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều được tiếp thu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
|
Tuy nhiên, so với tầm quan trọng và yêu cầu hiện nay, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần có giải pháp khắc phục. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong những năm qua, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc chưa hiệu quả, có nơi còn mang tính hình thức. Hạn chế này có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Song, có thể điểm ra một số nguyên nhân cơ bản, thường thấy như: Một số cấp ủy tuy có tổ chức việc học tập, quán triệt nghị quyết đầy đủ nhưng chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, nên có biểu hiện làm lướt, làm cho xong. Một số đồng chí trong đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các vẫn còn hạn chế về trình độ, năng lực; đặc biệt là về phương pháp và kỹ năng truyền đạt, dẫn đến kém thu hút người nghe. Tinh thần, thái độ học tập của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm túc.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, việc sử dụng nội dung, hình thức chưa phù hợp cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng…
Xuất phát từ những hạn chế, nguyên nhân trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các cấp, ngành phải giải quyết đồng bộ nhiều khâu.
Trước hết, cấp ủy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc các đợt học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đã được cấp ủy chọn lựa, thành lập đảm bảo các tiêu chuẩn về số lượng, nhiều đồng chí có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng; thường xuyên có sự củng cố, kiện toàn. Tuy nhiên, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền miệng nói chung và công tác quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói riêng. Cấp ủy các cấp chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; mặt khác, các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, thường xuyên tự nghiên cứu trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt trau dồi về phương pháp và kỹ năng truyền đạt. Ban tuyên giáo (tuyên huấn) các cấp thường xuyên nắm bắt thông tin phản hồi từ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên để tham mưu cấp ủy củng cố, kiện toàn đội ngũ này; theo đó, cơ cấu, bổ sung vào những đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên có trình độ, năng lực, có kỹ năng, tâm huyết… đã được thể hiện, khẳng định qua công tác tuyên truyền miệng, công tác giảng dạy lý luận chính trị và thông qua các hội thi như: hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi… do các cấp tổ chức.
Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, trong số đó, vẫn còn một bộ phận ý thức, trách nhiệm trong học tập chưa cao; tham gia học tập mang tính đối phó; còn tình trạng nói chuyện riêng, làm việc riêng trong quá trình học tập; không đảm bảo giờ giấc…
Nhằm nâng cao tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, ban tổ chức lớp học cùng với các cấp ủy phải có cơ chế quản lý học viên trên lớp một cách chặt chẽ, nghiêm túc; tùy thuộc vào số lượng tham gia, có thể điểm danh theo sơ đồ được bố trí trong hội trường, tiến hành điểm danh theo đầu mối đơn vị hoặc từng cá nhân. Khi kết thúc đợt học tập, quán triệt, tổ chức rút kinh nghiệm, biểu dương những tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt; đồng thời phê bình, xử lý những tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không nghiêm túc; thông báo cho cấp ủy cơ sở tình hình học tập của đảng viên thuộc quyền quản lý, lấy kết quả học tập để đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm…
Nội dung và hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cũng là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng việc học tập, quán triệt. Vì vậy, việc sử dụng nội dung và hình thức tổ chức học tập, quán triệt nhất thiết phải phù hợp với đối tượng tham gia. Bởi từng đối tượng sẽ có trình độ nhận thức, khả năng tiếp thu khác nhau và việc tiếp thu, vận dụng nội dung của các nghị quyết, chỉ thị để phục vụ trong công tác, học tập, lao động sản xuất cũng khác nhau…
Theo đó, nội dung quán triệt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần có sự phân tích sâu về mặt lý luận và thực tiễn; đối với cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên cần chú trọng biên tập, xây dựng nội dung cốt lõi, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Về hình thức, tùy vào hoàn cảnh thực tế để sử dụng hình thức học tập, quán triệt trực tuyến hay trực tiếp truyền thống. Tuy nhiên, sử dụng hình thức nào cũng cần có sự phân lớp, phân nhóm phù hợp với từng đối tượng tiếp thu.
Hiện nay, đã có một số huyện kết nối trực tuyến với điểm cầu các xã. Tuy nhiên, số điểm cầu các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang ở mức khiêm tốn (34 điểm cầu, đạt 33%). Kon Tum là tỉnh miền núi, diện tích rộng, nhiều xã cách xa trung tâm huyện, do vậy tiếp tục đầu tư kết nối các điểm cầu trực tuyến cấp xã cũng là việc làm cần thiết; tiết kiệm về thời gian, kinh phí và rất thuận tiện cho cán bộ cấp xã khi tham gia học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
Ngô Đức Hải