Lần theo ký ức
Ra đời ngày 25/9/1930 với tiền thân là Chi bộ binh tại Ngục Kon Tum, đến nay, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã trải qua 16 lần đại hội. Mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc, ghi nhận chặng đường xây dựng, phát triển của Đảng bộ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
|
Năm 1966, bà Vũ Thị Minh Huệ - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy - là một trong số 28 thành viên của đoàn công tác từ Quảng Ngãi được điều động lên chi viện, nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ cho tỉnh Kon Tum. Đi bộ ròng rã 20 ngày mới đến được làng Tân Ba (nay thuộc xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông). Sau thời gian ngắn tạm trú tại đây để học tập, quán triệt chính trị, tư tưởng, cô bé Huệ 15 tuổi được “đầu quân” công tác tại Căn cứ Tỉnh ủy, đứng chân tại vùng núi Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông ngày nay).
|
Trước đó chưa lâu, vào tháng 10/1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ II đã được tiến hành tại làng Đăk Viên, xã Măng Xăng, H80 (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông). Đại hội đánh giá cao kết quả phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”, “phá ấp giành dân, phát triển chiến tranh du kích xây dựng làng chiến đấu, đóng góp sức người sức của cho kháng chiến”. Đại hội xác định “chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ đánh bại chiến tranh cục bộ tại địa bàn tỉnh ở mức cao nhất”. Quán triệt, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng bộ tỉnh gắn liền với dấu ấn tiến hành tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 tại địa bàn và tích cực chuẩn bị lực lượng tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh (tháng 4/1972).
Cuộc sống nơi căn cứ muôn vàn khó khăn, thiếu thốn không ngăn được lòng nhiệt thành, hăng say của những người trẻ như Huệ trong quá trình làm quen với nhiệm vụ được giao phó. Từ chiếc nôi đầy tình yêu thương, đùm bọc và nỗ lực, tâm huyết “truyền lửa” của lớp cán bộ đi trước cùng đồng bào tại chỗ, nữ thanh niên ưu tú đã không ngừng trưởng thành.
Ông Trần Thanh Dân - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, Bí thư Ban cán sự H5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhớ lại: Sau hiệp định Giơnevơ, Đảng chủ trương phát triển công tác dân vận lên một bước mới, bằng cách đưa cán bộ về cơ sở, bám dân, bám địa bàn. Tại làng Bun Ngai ở vùng biên giới Việt- Lào (nay thuộc xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi), ông được đồng bào Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) nuôi nấng, bảo vệ, thương yêu, che chở. Trải qua nhiều năm gắn bó với đồng bào các DTTS địa phương và đảm nhận các cương vị công tác khác nhau, tháng 10/1973, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ V tổ chức ở Kon Đào, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Tô (nay là xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà), ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần đó có sự tham dự của 160 đại biểu, ghi nhận bước phát triển đáng kể khi so sánh với 33 đảng viên của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên vào tháng 3/1960 tại làng Mô Gia, H80 (nay thuộc xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông). Đại hội thống nhất đánh giá tình hình công tác từ Đại hội lần thứ IV là: “Thắng lợi là rất to lớn chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, toàn diện và vững chắc. Nhờ đó, tạo cho ta sức mạnh mới để tiếp tục tấn công địch và xây dựng ta trong thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng, để giành nhiều thắng lợi lớn hơn”. Đại hội cũng chỉ rõ trọng tâm phương hướng, nhiệm vụ: “Kiên quyết và đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm, kéo xúc dân của địch, giữ vững và mở rộng vùng ta. Khẩn trương, nỗ lực xây dựng, phát triển thực lực của ta vững mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế; chủ động giành thắng lợi trong mọi tình huống, chuyển lên thế tiến công tiêu diệt địch khi thời cơ đến”.
Sau đại hội V, Đảng bộ tỉnh mở đợt giáo dục chính trị sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, “tạo chuyển biến tư tưởng, khắc phục hiện tượng tiêu cực, hữu khuynh”; đồng thời lãnh đạo tập trung củng cố lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng để nâng cao chất lượng tấn công. Chỉ trong năm 1974, quân ta đã lần lượt tấn công tiêu diệt cứ điểm Đăk Pek, giải phóng Măng Bút, tiêu diệt cứ điểm Măng Đen, tạo đà tấn công giải phóng Kon Tum vào ngày 16/3/1975.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1960 - 1973, Đảng bộ tỉnh đã 5 lần tổ chức đại hội ở vùng căn cứ. Sau ngày đất nước thống nhất, lần đầu tiên, Đại hội Đảng bộ của tỉnh Gia Lai - Kon Tum được tổ chức vào tháng 11/1976 tại Pleiku, đưa Kon Tum vào giai đoạn xây dựng và phát triển mới. Từ khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại (12/8/1991), lịch sử Đảng bộ lại được ghi dấu bằng Đại hội Đại biểu lần thứ X vào tháng 5/1992.
Lần theo ký ức 62 năm đã qua kể từ Đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh đến nay, để nhớ về từng giai đoạn lịch sử với sứ mệnh cao cả được nhân dân các dân tộc tin tưởng giao phó. Càng thêm vững tin, khi cho dù còn không ít thử thách, khó khăn, thì mục tiêu phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững mà Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định đã dần trở thành hiện thực. Mốc son kỷ niệm “Kon Tum - 110 năm xây dựng và phát triển” đang đến rất gần.
Thanh Như