Kỳ vọng từ Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên
Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 827/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên. Hội đồng Điều phối vùng được kỳ vọng là “nhạc trưởng” dẫn dắt vùng Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ.
Vùng Tây Nguyên, với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước.
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng ấy, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW thời kỳ 2011 - 2020.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI), các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên.
|
Là một trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, với vị trí chiến lược của mình, trong những năm gần đây, Kon Tum đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ.
Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 10,18%/năm. Năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt 30.412,7 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 52,44 triệu đồng.
6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,80%, đứng thứ 22 cả nước, đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện các chính sách về KT-XH, AN-QP, văn hoá, môi trường, dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm, tồn tại cần khắc phục.
Riêng với Kon Tum, cơ cấu kinh tế còn nhiều bất cập, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa bền vững, bộc lộ nhiều hạn chế.
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây được xác định là Nghị quyết đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ chiến lược mới.
Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, ở khu vực đang tồn tại “5 vùng kinh tế”, tương ứng với 5 tỉnh trong khu vực. Việc liên kết vùng còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, thậm chí còn cạnh tranh.
Vì thế, không gian kinh tế vùng bị chia cắt và thu hẹp, nhiều cụm ngành kinh tế và sản phẩm thế mạnh, mà các tỉnh có lợi thế chung không được “liên kết” với nhau, hoặc lợi thế so sánh của từng tỉnh không được phát huy, mà còn cạnh tranh cục bộ lẫn nhau.
Điều này dẫn đến chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt khúc; đầu tư trùng lắp, tính gia tăng giá trị thấp, suất đầu tư cao do không tận dụng được “lợi thế dùng chung” trên cơ sở phân công trong nội bộ vùng và liên vùng.
Nguyên nhân là do điều phối phát triển vùng vẫn chưa cao; chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh, các việc có tính chất liên vùng.
Việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa có tính lâu dài, phạm vi liên kết hạn chế, tổ chức triển khai các liên kết chậm, chưa thực sự kết nối và phát huy được tiềm năng phát triển của các vùng.
Đặc biệt, chưa có bộ máy thể chế vùng đủ mạnh, thực hiện tốt chức năng quản lý, điều tiết, tổ chức các hoạt động phát triển của vùng bao gồm nhiều địa phương.
|
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 thành lập Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên được kỳ vọng đem lại sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Chủ tịch Hội đồng; là tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên được trao nhiều quyền hạn cũng như nhiệm vụ, nhưng trong đó đáng chú ý là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trong Vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng; bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng cường liên kết vùng là một xu thế tất yếu và là động lực dẫn dắt sự tăng trưởng. Bài toán khó nhất là làm thế nào để tổ chức liên kết vùng, để thu hút các thành phần kinh tế, các đối tác trong và ngoài nước vào đầu tư, phát triển tại khu vực.
Và hội đồng điều phối vùng chính là “lời giải” cho bài toán khó ấy, từ đó đảm bảo cho tính liên kết giữa các địa phương trở nên chặt chẽ, thông suốt và bền vững.
Đơn cử, khi có hội đồng điều phối vùng, với sự điều hành của hội đồng, sẽ khắc phục được tình trạng mỗi tỉnh làm một quy hoạch riêng, các tỉnh không tham vấn, phối hợp với nhau.
Tin tưởng rằng, với sự dẫn dắt của Hội đồng Điều phối vùng, sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các địa phương, trong thời gian tới, vùng Tây Nguyên sẽ có bước đột phá, phát triển mạnh mẽ.
Sông Côn