Kinh tế thị trường định hướng XHCN là vì “dân giàu nước mạnh”
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam đó là nền kinh tế được xây dựng ở một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhằm mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua có những quan điểm sai trái, thù địch cho rằng không có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Nền kinh tế của đất nước ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Chưa bao giờ tầm vóc và sức mạnh của dân tộc, của đất nước lại rạng rỡ và mạnh mẽ như hôm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; quy mô kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 34 (theo bảng xếp hạng của CEBR). GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4,28 nghìn USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Nhưng mặt khác, những thách thức đối với cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cũng không hề nhỏ.
|
Một số quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam cho rằng, sẽ không có thể có được cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN; định hướng XHCN là tù mù, vì vậy mà kinh tế thị trường XHCN lại càng tù mù hơn và Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đúng nghĩa.
Hay kinh tế thị trường và định hướng XHCN là mâu thuẫn nhau; kinh tế thị trường là tự do, trong khi định hướng XHCN là chuyên chế; kinh tế thị trường là dân chủ, trong khi định hướng XHCN là độc đoán… Vì vậy, nội hàm kinh tế thị trường định hướng XHCN đã mâu thuẫn nhau, không thể tồn tại trong một mô hình kinh tế thị trường.
Lại có quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là không có cơ sở lý thuyết khoa học, có chăng là sự gán ghép khiên cưỡng lý thuyết kinh tế thị trường với lý luận Mác-Lênin đã lỗi thời; kinh tế thị trường phải dựa trên các lý thuyết kinh tế tự do, trong khi định hướng XHCN lại dựa trên Chủ nghĩa Mác-Lênin; kinh tế thị trường phải dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân, trong khi định hướng XHCN lại dựa trên xác định vai trò kinh tế nhà nước là chủ đạo.
Thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng XHCN được khẳng định tại Đại hội IX của Đảng (năm 2001), đây là kết quả sau 15 năm đổi mới tư duy: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Qua các kỳ Đại hội Đảng, thuật ngữ kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện hơn.
|
Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Về bản chất, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một kiểu hình kinh tế thị trường vừa tuân thủ các quy luật chung của nền kinh tế thị trường, vừa hàm chứa những giá trị XHCN trong vận hành, quản lý cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đó là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội; xác lập quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp để thúc đẩy phát triển mạnh lực lượng sản xuất; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, dân giàu nước mạnh.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Cần thấy rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong nền kinh tế thế giới. Đây là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để có mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế: Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách trên một số lĩnh vực còn thấp; môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch; việc thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công còn lúng túng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển chưa đồng bộ; hội nhập kinh tế quốc tế có một số mặt đạt hiệu quả chưa cao; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thiếu chọn lọc; xuất khẩu tăng nhanh, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; việc bảo vệ thị trường trong nước, phòng ngừa, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế còn nhiều bất cập.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xác định rõ những quan điểm sai trái, thù địch càng cần được chú trọng hơn. Từ đó, nhận thức một cách sâu sắc đường lối của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN và đấu tranh phản bác hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch.
Sông Côn