Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta lựa chọn và khẳng định trong các văn kiện của Đảng từ mùa Xuân năm 1930, được bổ sung, phát triển qua 13 kỳ Đại hội.
Thực tiễn đã khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn của cách mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Trong suốt quá trình lãnh đạo, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như thế nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là sự nhất quán giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Đảng ta về con đường của cách mạng Việt Nam.
Gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động được lực lượng to lớn nhất trong dân tộc là các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Nhờ đường lối đúng đắn ấy, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau 37 năm đổi mới, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ngày càng hoàn thiện. Đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần.
|
Vị thế quốc gia và sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng lên một bước quan trọng, là điều kiện quan trọng để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó tăng cường niềm tin, nâng cao sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Để chống phá con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch điên cuồng ra sức chống phá, từ việc phủ nhận lý luận của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đến việc xúi giục, kích động, gây bạo loạn lật đổ, cổ súy cho con đường tư bản chủ nghĩa, nhằm tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Mặc dù chủ nghĩa tư bản đang đạt nhiều thành tựu, đặc biệt về khoa học công nghệ, giải phóng sức lao động, nhưng những khuyết tật trong lòng xã hội tư bản vẫn bộc lộ mạnh mẽ và không thể khắc phục. Các cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra, xung đột sắc tộc, tôn giáo có chiều hướng gia tăng, bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các phong trào phản kháng xã hội, biểu tình, bạo loạn xảy ra ở nhiều quốc gia tư bản.
Đất nước Việt Nam chúng ta đã trải qua những năm tháng đau thương do chiến tranh gây ra. Giờ đây, hơn bao giờ hết, cần một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, xây dựng một xã hội thân ái, đoàn kết, tiến bộ, nhân văn, phát triển bền vững, xây dựng hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên. Tất cả những điều đó chỉ có được trong xã hội mà chúng ta đang xây dựng.
Từ cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và từ thực tiễn thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam đã chứng minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng của Việt Nam.
Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng nêu rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Điều đó một lần nữa được khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là cơ sở lý luận và khoa học để xây dựng, củng cố niềm tin tất thắng của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc rằng chỉ có đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chúng ta mới xóa bỏ được tệ nạn người áp bức, bóc lột người, mới thực hiện được lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người và mọi người.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc, là chiến lược, bước đi của cách mạng Việt Nam; là định hướng chính trị, mục tiêu xuyên suốt của tiến trình cách mạng Việt Nam. Trở thành động lực, nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử phù hợp với ý Đảng, lòng dân.
Luôn tin tưởng sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thành công; uy tín, vị thế của nước ta sẽ tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, kiên định lập trường Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuân thủ chủ trrương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn tích cực học tập và rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí.
Nhận diện và tỏ rõ thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chống “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Sông Côn