KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (1/8):
"Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo"
"Với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đã triển khai hiệu quả hàng loạt giải pháp nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo..." - đồng chí Lê Thị Kim Đơn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đánh giá như vậy trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum nhân kỷ niệm 88 năm ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp và nhiệm vụ đã được triển khai nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, kể từ sau Đại hội XII của Đảng và Đại hội XV Đảng bộ tỉnh?
Đồng chí Lê Thị Kim Đơn: “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội…” là một trong những nội dung quan trọng đã được đề cập tại Đại hội XII của Đảng.
Từ sau Đại hội XII của Đảng và Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đến nay, với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo.
Trước hết là đổi mới trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã đổi mới nội dung, hình thức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở và phương pháp quán triệt các chỉ thị, nghị quyết đi sâu vào phần liên hệ thực tế đã góp phần giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng tiếp thu các nghị quyết.
Công tác nắm bắt tư tưởng và dư luận xã hội đã có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã làm tốt công tác phối hợp nắm bắt, điều tra, nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội; duy trì việc báo cáo định kỳ (thứ 5 hàng tuần) và đột xuất (các ngày lễ, tết) công tác nắm bắt tình hình tư tưởng và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh ở địa phương, ngành, lĩnh vực phụ trách về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý...
Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh tiến hành từ 2-4 cuộc điều tra dư luận xã hội, qua đó tổng hợp được nhiều nội dung phản ánh có tính thời sự, nhạy cảm và có tác động đến đời sống của nhân dân để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, xử lý kịp thời.
Cùng với việc nắm bắt dư luận xã hội thông qua phản ánh của các địa phương, ngành và đội ngũ cộng tác viên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ thông tin phản ánh về địa phương hàng ngày trên báo chí, mạng xã hội để nắm bắt kịp thời những vấn đề của địa phương mà dư luận xã hội quan tâm; duy trì giao ban báo chí để nắm bắt thêm nguồn thông tin kịp thời chỉ đạo báo chí tập trung tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội lành mạnh.
Công tác khoa giáo thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở; thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành khối khoa giáo như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình; dạy nghề, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới; bảo vệ môi trường... nhằm tham mưu giúp Tỉnh ủy xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát thực, hiệu quả.
Công tác đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nhất là không gian mạng, được tăng cường. Nhiều bài viết hay, ý nghĩa trên các diễn đàn đã được một số cá nhân, tổ chức trong tỉnh chia sẻ, bình luận tích cực, tạo điều kiện cho người dân tham gia mạng xã hội biết thêm thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cảnh giác trước các âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch...
|
Phóng viên: Những đổi mới đó đã tác động tích cực như thế nào đến tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Kim Đơn: Có thể khẳng định, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo góp phần to lớn tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường xây dựng Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, yên tâm công tác, lao động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Trong thời gian qua, nhiều sự kiện diễn ra luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, tin tưởng, theo dõi và đánh giá cao như: phiên chất vấn các kỳ họp thứ 3, 4, 5 Quốc hội khóa XIV; các hội nghị lần thứ 5, 6, 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; các kỳ họp thứ 4, 5, 6 HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI... từ đó đồng tình, tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; bố trí, sắp xếp cán bộ; giải quyết những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội như: ô nhiễm môi trường, vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông...
Sự đồng tình, tin tưởng của dư luận xã hội và nhân dân chính là động lực để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ có những giải pháp cụ thể gì nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay?
Đồng chí Lê Thị Kim Đơn: Trước hết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương bảo đảm nghiêm túc, chất lượng; thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch và phần tử xấu, nhất là trên không gian mạng.
Kịp thời định hướng thông tin, tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, giảm thiểu tối đa những tác động của thông tin xấu, độc trên internet. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên nhóm chuyên gia, tổ giúp việc tỉnh, cộng tác viên dư luận xã hội tỉnh cùng các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để kịp thời giáo dục và xử lý theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý, theo dõi thông tin trên báo chí, mạng viễn thông, mạng xã hội, bảo đảm đưa tin đúng định hướng, thông tin chính xác, đúng đắn, kịp thời để nhân dân hiểu rõ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực thông tin, chia sẻ trên mạng xã hội của địa phương, đơn vị những gương người tốt, việc tốt, những hoạt động tích cực của ngành, đoàn thể, địa phương. Kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt những vấn đề nổi cộm, bức xúc, nhạy cảm được dư luận quan tâm...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tú Quyên (thực hiện)