Kết quả và những vấn đề đặt ra trong thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng
Qua việc thực hiện Nghị quyết 18, tổ chức, bộ máy của các đơn vị, địa phương được tinh giản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
|
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch lồng ghép học tập, quán triệt, tuyên truyền; Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 51-CTr/TU, ngày 9/2/2018 thực hiện Nghị quyết.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tổ chức bộ máy sau sắp xếp, kiện toàn đã đi vào hoạt động ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy, công tác quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực.
Đối với hệ thống tổ chức Đảng, các đầu mối của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo Kon Tum, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh được tổ chức, sắp xếp lại theo quy định, phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, tối thiểu có 5 người, đối với Báo Kon Tum và Trường Chính trị tỉnh tối thiểu có 7 người mới lập một đầu mối trực thuộc; phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; phòng có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng.
Qua sắp xếp, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy giảm 5 phòng và 5 trưởng phòng; Trường Chính trị giảm 2 đầu mối trực thuộc và 2 trưởng khoa, phòng; Báo Kon Tum giảm 1 cấp phó cơ quan Báo Kon Tum, 1 đầu mối trực thuộc và 1 trưởng phòng; Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh giảm 1 đầu mối trực thuộc, 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng.
Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện tại 7/10 huyện, thành phố; bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã tại 58/102 xã, phường, thị trấn; hiện nay có 317/756 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố.
Đối với chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã tổ chức lại 19/20 cơ quan chuyên môn trực thuộc, giảm 35 đơn vị trực thuộc các sở, 31 cấp trưởng, 26 cấp phó, 29 phòng chuyên môn bên trong các chi cục và tương đương trực thuộc sở. Các huyện Kon Plông và Đăk Hà đã sáp nhập Phòng Y tế vào Văn phòng HĐND và UBND huyện; UBND huyện Ia H’Drai mới chỉ thành lập 6/10 phòng chuyên môn, trong đó có 3 phòng chuyên môn đã hợp nhất với khối Đảng. Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh để thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã giảm 1 tổ chức và 1 lãnh đạo (Chánh Văn phòng). Đã rà soát và giải thể 1 ban chỉ đạo, 1 ban quản lý dự án; tiếp tục triển khai giải thể 1 ban quản lý dự án; tổ chức lại 3 ban quản lý dự án chuyên ngành thành Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh. Rà soát, sáp nhập, tổ chức lại các thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh; sau sáp nhập, toàn tỉnh còn 756 thôn, tổ dân phố, giảm 118 thôn, tổ dân phố.
Đối với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng, tối thiểu có 5 người mới thành lập đầu mối trực thuộc; ban có dưới 10 người được bố trí trưởng ban và 1 phó ban; có 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng ban. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giảm 1 đầu mối, 1 trưởng ban; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giảm 2 đầu mối, 2 trưởng ban; Hội Nông dân tỉnh giảm 2 đầu mối, 2 trưởng ban; Liên đoàn Lao động tỉnh giảm 1 đầu mối, 1 trưởng ban; Hội Cựu chiến binh tỉnh giảm 1 đầu mối, 1 trưởng ban; Tỉnh đoàn giảm 1 đầu mối, 1 trưởng ban.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đã giảm 119 đơn vị, giảm 132 lãnh đạo. Đối với cấp huyện, sắp xếp và thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị trên cơ sở hợp nhất các đầu mối, qua đó giảm 24 đầu mối.
Thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh, theo đó Văn phòng Tỉnh ủy được tổ chức lại để phục vụ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (tiếp nhận 4 kế toán và 6 lái xe từ các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy). Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh hợp nhất, giảm 5 đầu mối, 5 biên chế, 2 phó bí thư, 5 cấp trưởng, 4 cấp phó các đầu mối trực thuộc. Hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện; Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy với Thanh tra huyện; Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND tại huyện Ia H’Drai. Hiện nay, có 10/10 huyện, thành phố đang thực hiện chủ trương Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị và 9/10 huyện thực hiện chủ trương Trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam.
Nhìn chung, thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy các cấp; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hợp nhất và các đồng chí lãnh đạo kiêm nhiệm cơ bản có sự tương đồng… nên triển khai thuận lợi và đạt được những kết quả tích cực. Tổ chức, bộ máy của các đơn vị, địa phương được tinh giản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế.
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 18 vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại các cơ quan, đơn vị, địa phương mới chỉ giảm đầu mối về tổ chức bộ máy, chưa thực sự gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế; việc sắp xếp, bố trí đối với số cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban dôi dư và công chức, viên chức khi sáp nhập còn lúng túng. Kết quả tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gặp nhiều vướng mắc, bất cập (việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm khi chuyển đổi vị trí công tác khác sau sắp xếp, sáp nhập; việc sắp xếp, bố trí biên chế, lao động bảo đảm theo vị trí việc làm sau khi hợp nhất…). Việc thực hiện tinh giản biên chế công chức và số lượng người làm việc theo lộ trình gặp nhiều khó khăn, gây áp lực lớn cho các địa phương, đơn vị. Một số ngành đặc thù như y tế (biên chế giao theo số giường bệnh), giáo dục (biên chế giao theo số trường, lớp), kiểm lâm (biên chế giao theo diện tích rừng)..., hiện nay chưa được giao đủ số biên chế so với nhu cầu thực tế, nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế. Chế độ chính sách đối với cán bộ trong thực hiện kiêm nhiệm các chức danh người đứng đầu chưa tương xứng trách nhiệm công việc phải thực hiện. Thực hiện hợp nhất các cơ quan gặp khó khăn khi chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ; mẫu dấu, thể thức văn bản không thống nhất...
Ngô Đức Hải