Hội nghị trực tuyến đối ngoại toàn quốc
Sáng 14/12, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các đại sứ và tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài.
|
|
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các cơ quan giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và đại diện các huyện ủy, thành ủy; Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh.
|
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ báo cáo thành tựu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
|
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham gia các tham luận, phát biểu cung cấp thông tin nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với công tác đối ngoại thời gian qua.
|
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại thành tích nổi bật của đất nước sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên định của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại, đó là: Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, Việt Nam đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ của đất nước với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; đã tích cực nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; thu hút hơn 400 tỷ USD đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam; tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tích cực… Qua đó, Việt Nam đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, thế giới; làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế to lớn, uy tín như ngày nay…
Qua đây, đồng chí cũng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cán bộ, đảng viên, công chức liên quan đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác đối ngoại trong thời gian qua.
Thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và dự báo tình hình thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, trong mặt trận đối ngoại cần phát huy những mặt tích cực thời gian qua, triển khai kiên định trong công tác ngoại giao, cũng như thực hiện linh hoạt trong sách lược đối ngoại làm bạn với tất cả các nước; xây dựng sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại trong tình hình mới; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn Đảng và toàn dân. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động phòng từ sớm, từ xa để tham mưu Đảng, Nhà nước về giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Mặt khác, tăng cường sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành để tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả nước để triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, có công tác phổ biến, triển khai nhiệm vụ công tác đối ngoại trong tình hình mới, thích ứng đại dịch Covid-19 để chủ động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ổn định, bền vững; đồng thời chủ động tham gia hoạt động đối nội và đối ngoại tích cực, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam hơn nữa. Các cấp, các ngành phải chú ý xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và công chức làm công tác đối ngoại phải đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng để từ đó đảm bảo cho nhiệm vụ thời gian tới. Từ đây, có nhiều đóng góp cho đất nước trong bối cảnh mới, để Việt Nam luôn chủ động, tích cực là bạn, đối tác tin cậy và trách nhiệm với tất cả các nước trên thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Mai Trâm