Giữ vững an ninh chính trị
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm TTATXH, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”.
Ở nước ta, an ninh chính trị được hiểu là sự ổn định chính trị, nền tảng tư tưởng thể chế chính trị, quyền lãnh đạo của Đảng, sự an toàn nội bộ, việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; sự an toàn trong quan hệ đối ngoại, chống lại sự xâm phạm chủ quyền quốc gia, sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm phạm, chia cắt lãnh thổ, làm mất mát hay đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực tiễn cho thấy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, đất nước, Đảng ta đã luôn coi trọng nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị. Căn cứ vào tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng đã đưa ra quan điểm, chủ trương về bảo vệ an ninh chính trị phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn.
Kon Tum là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia, có hơn 54% dân số là đồng bào DTTS. Lợi dụng các đặc điểm đó, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá, nhất là lôi kéo, kích động đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa tham gia hoạt động đòi ly khai, tự trị.
|
Hoạt động tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật và các loại tội phạm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chủ trương, giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ an ninh chính trị ổn định, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, Tỉnh ủy Kon Tum đã thành lập Ban Chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban chỉ đạo 35 tỉnh). Phát huy vai trò của mình, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiên quyết, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trên không gian mạng. Từ đó góp phần làm thất bại âm mưu của kẻ thù, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong bảo vệ an ninh về thể chế chính trị, lực lượng Công an tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng-văn hóa và an ninh thông tin trong tình hình mới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, truyền bá tư tưởng, quan điểm chống Đảng, Nhà nước và các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng đã được lực lượng vũ trang tỉnh đẩy mạnh và tăng cường. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng các địa phương trọng điểm về quốc phòng-an ninh, địa bàn biên giới; không để xảy ra “điểm nóng” về quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Lực lượng Biên phòng tỉnh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý đường biên, cột mốc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới. Triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, buôn lậu, chất nổ, vũ khí, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Hiện nay, công tác bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, các thế lực thù địch và tổ chức phản động người Việt lưu vong, lực lượng phản động vẫn tìm cách chống phá; tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, kích động đồng bào khiếu kiện, biểu tình, từng bước phát triển thành bạo loạn chính trị, ly khai.
Công tác nắm tình hình, thông tin, phát hiện âm mưu, thủ đoạn và năng lực xử lý các tình huống chống bạo loạn chính trị, ly khai trên một số địa bàn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cũng như khả năng nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn hạn chế. Chưa huy động được đông đảo các lực lượng tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; nội dung đấu tranh chưa đa dạng, phong phú; thiếu sắc bén, thuyết phục.
Thực tế trên đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nền văn hóa của các dân tộc trên địa bàn. Phê phán, bác bỏ các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh với thông tin xuyên tạc lịch sử, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
Nắm chắc mục tiêu, phương châm, quan điểm: Tích cực, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xảy ra bạo loạn chính trị, ly khai từ sớm, từ xa; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân và lực lượng vũ trang trong bảo vệ an ninh chính trị.
Chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, tạo thế trận vững chắc, sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống bạo loạn chính trị, ly khai.
Tăng cường quản lý, điều hành thực hiện các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, tập trung vào mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, gìn giữ, kế thừa có chọn lọc và loại bỏ dần hủ tục, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa, nghệ thuật, hình thành nếp sống văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo, DTTS.
Sông Côn