Giữ gìn Liêm - Chính
Quy định 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới gồm 6 điều, trong đó, Điều 3 là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Khi xây dựng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng phẩm chất “liêm, chính”.
Theo Người, Liêm là trong sạch, không tham lam; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.
Người viết: “Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là LIÊM, chữ liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ LIÊM có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải LIÊM”.
Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì là không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.
|
Nói về Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới là người hoàn hảo. Trên quả đất có hàng muôn triệu người sống, số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc, song, những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: Việc chính và việc tà. Làm việc chính là người thiện. Làm việc tà là người tà”.
Thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, nhất là sự liêm, chính của cán bộ, đảng viên, Đảng ta luôn đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng việc tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; yêu cầu nghiêm túc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm, uy tín của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu liêm, chính trên cả ba cấp độ: 1- Đối với đội ngũ cán bộ; 2- Đối với các cấp ủy và cơ quan nội chính; 3- Đối với bộ máy nhà nước.
Để thực hiện được những yêu cầu đó nhằm mục tiêu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, từ sau Đại hội XIII đến nay, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, như: Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về "những điều đảng viên không được làm"; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
|
Và mới đây nhất, ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
Quy định số 144 có 6 điều với 21 điểm, quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.
Trong đó từ Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nội dung của từng điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của từng chuẩn mực đạo đức đã nêu ở tên từng điều.
Chính xác hơn là từ nội dung cụ thể của 5 điều đã được cụ thể hóa thành 19 chuẩn mực đạo đức cách mạng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tuân thủ. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng trong Quy định này có tính cô đọng, khái quát và dễ hiểu, nhưng đã bao hàm một cách toàn diện các quy định đối với người cán bộ, đảng viên phải thực hiện đối với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc cho đến các yêu cầu cụ thể về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên.
Trong đó, Điều 3 quy định về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được đánh giá là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn cho thấy, người cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, không giữ Liêm - Chính sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị.
Nhiều trường hợp cán bộ cấp cao bị kỷ luật đảng và xử lý trước pháp luật thời gian qua có nguyên nhân gốc rễ là không chú ý giữ gìn đạo đức cách mạng, vi phạm Điều lệ Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm; đánh mất Liêm - Chính, vì danh lợi cá nhân mà bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, gây bất bình, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: “Danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng cao quý nhất”. Đó cũng là giữ gìn Liêm - Chính vậy.
Đây không chỉ là mệnh lệnh cần phải thực hiện để vun bồi đạo đức cách mạng phù hợp yêu cầu cụ thể của sự nghiệp cách mạng, mà còn là cơ sở để đánh giá bản lĩnh, trách nhiệm, sự trung thành, tâm huyết, trong sạch, trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm; sự dấn thân, hăng hái vì nước, vì dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; uy tín, sự gương mẫu, nêu cao lòng tự trọng, danh dự, sự đề kháng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên là nghiêm túc nghiên cứu, để áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời tích cực lan tỏa rộng rãi các nội dung để Quy định 144 trở thành tài liệu hữu ích cho từng cấp ủy, chi bộ, từng đảng viên, tài liệu giáo dục đạo đức cho toàn thể nhân dân.
Sông Côn