Đừng để vô cảm trở thành “bệnh mãn tính”
Có bao giờ đang đi trên đường, bạn chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, có người bị thương nặng, chưa được ai giúp đỡ, nhưng lại lướt qua vì sợ liên lụy? Có bao giờ bạn thấy đồng chí, đồng nghiệp của mình bị oan nhưng lại không dám bảo vệ, hoặc sai nhưng không dám đấu tranh?
Nếu câu trả lời là “có”, thì tôi nghĩ ít hay nhiều, bạn đã mắc “căn bệnh” vô cảm. Tuy nhiên, vô cảm ở mức nào còn phụ thuộc vào tính chất, hành vi, thái độ, ứng xử của bạn về việc đó như thế nào.
Tôi không phải là một nhà tâm lý học hay một nhà nghiên cứu xã hội, mà chỉ là một người viết báo. Là một công dân, một nhà báo, tiếc thay, tôi đã nghe, đã chứng kiến không ít trường hợp, mà ở đó, “căn bệnh” vô cảm đã trở nên đáng sợ.
Một lần, trên đường đi công tác, tôi chứng kiến một vụ tai nạn giữa hai xe máy trên quốc lộ, người điều khiển phương tiện bị thương nặng. Trong khi chờ lực lượng chức năng đến hiện trường, người dân xem rất đông. Điều đáng nói là họ chỉ đứng xem chứ không ai đến giúp đỡ người bị thương nặng.
Một thanh niên đi làm về thấy vậy, hô hào mọi người cùng mình giúp đỡ người bị nạn. Có người cảm phục hành động của anh thanh niên, có người xì xầm: “Coi chừng làm ơn mắc oán”...
Tôi đã rất đau lòng khi xem những clip chia sẻ trên mạng xã hội về những học sinh đánh, chém nhau đến mức phải xử lý hình sự. Điều đau lòng hơn là chính người quay clip lại là bạn bè của nạn nhân. Tôi từng tự hỏi, tại sao khi thấy bạn bè mình đánh, chém nhau, những em khác có thể đứng xem, reo hò cổ vũ và dửng dưng quay clip tung lên mạng?
Phải chăng đó chính là biểu hiện của “bệnh” vô cảm?
|
Tôi tự nhận thấy mình là một người không hoàn hảo. Bởi có lúc, tôi nghĩ mình cũng đã từng vô cảm. Hệ quả là, tôi dằn vặt mình rất lâu.
Đó là lần tôi từ chối giúp đỡ một người phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi vẫy tay xin đi nhờ xe ở một đoạn đường khá vắng vẻ, chỉ vì sợ gặp phải người xấu. Vậy mà việc làm ấy cứ làm tôi áy náy mãi.
Mang câu chuyện trên kể lại với một vài người bạn, mọi người đều cho rằng tôi đã xử lý đúng, bởi đã có những cảnh báo về các vụ việc xin đi nhờ xe, sau đó có hành vi trộm cướp. “Ai biết được đó là người tốt hay người xấu. Nhỡ đâu ở đoạn đường vắng, sẽ có hành động xấu thì sao”- người bạn nói.
Nghe bạn động viên, tôi cũng nhẹ nhõm phần nào. Nhưng vẫn nghĩ, giá như lúc đó, mình tìm hiểu nguyên nhân tại sao người phụ nữ ấy phải cuốc bộ một quãng đường khá xa, và nếu có thể, nên biếu ít tiền để bà thuê xe đi một đoạn về thành phố. Như vậy chắc là đỡ áy náy hơn.
Tôi cũng đã nhiều lần được bạn bè phàn nàn, chia sẻ về những bất công trong công việc mà bạn ấy phải gánh chịu. Đó có thể về những người trong cùng cơ quan, đơn vị làm ít mà được hưởng nhiều, làm nhiều hưởng ít. Hay có người “chết oan”, “bị đì” khi dám đứng ra bảo vệ cái đúng, dám lên tiếng đấu tranh với cái sai. Để rồi, bạn lại chấp nhận kết thúc câu chuyện theo chiều hướng không mấy hài lòng: “Im lặng là vàng”.
Người đã không dám nhận cái sai, kết hợp với không ai dám chỉ ra cái sai của họ thì tất yếu cái sai đó sẽ vẫn nằm im trong cái bọc. Và rồi sẽ chẳng còn ai muốn chỉ ra cái sai, vì nói ra chẳng những không giải quyết được gì mà còn “rước họa vào thân”.
Lâu dần, sẽ trở nên vô cảm trước mọi vấn đề. Đó là một trong các nguyên nhân triệt tiêu những giá trị tốt đẹp. Điều này đi ngược với nguyên lý của sự phát triển.
Một biểu hiện nữa của “bệnh” vô cảm là khi đồng chí, đồng nghiệp mình mắc lỗi, thay vì chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ, lại “đổ thêm dầu vào lửa” nhằm hạ bệ, làm cho đồng chí, đồng nghiệp mất uy tín.
Vô cảm giữa những con người bình thường với nhau đã đáng lo ngại, vô cảm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên còn đáng lo ngại hơn. Bởi cán bộ, đảng viên thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có thể quyết định những vấn đề quan trọng, lớn thì ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, nhỏ thì đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân.
Căn bệnh vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân quan trọng nhất đó là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Cán bộ, đảng viên mà làm việc gì cũng đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể thì không thể xây dựng tập thể vững mạnh được.
Thứ hai đó là tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao. Đây chính là cơ hội để cái xấu có “đất sống”. Thực tế, người biết tự phê bình là người dám nhìn nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình để phát huy và sửa chữa. Người không dám nhìn thẳng sự thật, không thấy khuyết điểm của mình thì ắt sẽ luôn cho mình đúng, và khi có người chỉ ra khuyết điểm của mình thì không hài lòng, có khi lại nảy sinh tư tưởng trả thù.
Người dám phê bình đồng chí, đồng nghiệp của mình trên tinh thần xây dựng là người tốt. Bởi không ai trên tinh thần xây dựng mà đi chửi rủa, nhục mạ, bêu rếu đồng chí, đồng nghiệp mình bao giờ.
|
Bệnh vô cảm cũng xuất phát từ quan liêu, xa rời quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Thay vì đi sâu, đi sát quần chúng để hiểu, để có những phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp hơn, mang lại hiệu quả cao hơn thì lại đi áp đặt mệnh lệnh hành chính; bắt buộc người khác phải phục tùng mình, làm theo ý mình mà không chịu lắng nghe quần chúng bày tỏ suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng.
Một khi đã quan liêu, xa rời quần chúng thì tất yếu không thể có được tình yêu thương đối với đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân.
Gần đây, những sai phạm liên quan đến vụ Công ty Việt Á cho thấy rõ bệnh vô cảm, thậm chí trên cả vô cảm. Bởi giữa lúc cả nước đang oằn mình chống dịch, biết bao người xông pha trên tuyến đầu, không màng hiểm nguy đến cả tính mạng của mình; ngay cả những cụ già, em nhỏ cũng dành giụm từng đồng ăn sáng để ủng hộ phòng chống dịch thì lại có những con người dùng thủ đoạn thu lợi hàng nghìn tỷ đồng, hay “bỏ túi” hàng tỷ đồng.
Khắc phục căn bệnh vô cảm là điều mà Đảng ta đặc biệt quan tâm. Đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng về phòng, chống quan liêu; phòng, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và các chỉ thị, chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… đã đưa ra nhiều giải pháp, quyết tâm để khắc phục, chữa trị căn bệnh này.
Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhìn nhận và chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.
Muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, mỗi người cần có “sức đề kháng” trước “căn bệnh” vô cảm, không thể để nó trở thành “bệnh mãn tính”.
Sông Côn