Đấu tranh bảo vệ giá trị về quyền con người - Bài 3: Quyền con người ở Kon Tum
Là tỉnh nghèo, biên giới, miền núi, đồng bào DTTS chiếm hơn 53% dân số, việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, xác định là một trong những nền tảng đảm bảo sự ổn định, là động lực để phát triển.
|
|
Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh đã sớm được thành lập và hoạt động tích cực, tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đảm bảo các quyền con người. Ngày 22/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 203/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh Kon Tum.
Trên lĩnh vực bảo đảm quyền kinh tế, nổi bật là kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt 6,47%; GRDP bình quân đầu người đạt 47,1 triệu đồng (tăng gần 4 triệu đồng/người so với năm 2020). Trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP đạt 7.307 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 89,59% tổng dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,32% (tương ứng 9.072 hộ).
Bà con các dân tộc, tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật; được hưởng các chế độ, chính sách an sinh xã hội, được vay vốn tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững, học nghề, tạo việc làm.
Bên cạnh thực hiện các chương trình MTQG như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bình đẳng giới là một trong những chỉ số về quyền con người quan trọng. Trong Cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026 có 18 đại biểu nữ trúng cử, đạt tỷ lệ 35,29%. Công tác đấu tranh với nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; chống phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật được quan tâm đẩy mạnh.
|
Công tác tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền con người được quan tâm. Nhân dân được tạo điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quyền ứng cử và bầu cử (quyền chính trị cơ bản) của người dân trong tỉnh được đảm bảo. Trong Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,85% là minh chứng người dân thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền công dân của mình.
Bên cạnh đó, chủ động đấu tranh với hoạt động chống phá về nhân quyền, cả hệ thống chính trị và lực lượng chức năng đã nắm chắc tình hình, quản lý chặt địa bàn bảo vệ an toàn an ninh trật tự; giải quyết các vụ việc liên quan đến chính sách xã hội, tôn giáo, dân tộc, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương, không để phần tử xấu lợi dụng.
Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền con người trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định, như trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một bộ phận cán bộ chưa thực sự gương mẫu, tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân. Thậm chí còn có những hành động tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Vẫn còn tồn tại một số hủ tục, phong tục của đồng bào DTTS không còn phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, cũng như tác động xấu đến bảo đảm các quyền con người, như: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; mê tín dị đoan, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám tang, lễ hội, sinh đẻ tại nhà, kiêng cữ về chết xấu, thuốc thư, cúng ma…
Các thế lực thù địch đã lợi dụng những tồn tại, hạn chế trên để tăng cường hoạt động chống phá, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực tế cho thấy, hoạt động này thường có sự kích động, móc nối với các thế lực thù địch, đối tượng phản động bên ngoài.
Ví dụ như, các đối tượng cầm đầu các tổ chức như Tin lành Đề ga, tà đạo Hà Mòn, gần đây là “Tin lành Đấng Christ” tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo chính sách tôn giáo, dân tộc, nhân quyền của Đảng và Nhà nước; kích động gây mất ổn định an ninh trên địa bàn; vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc từ đó kích động ly khai, tự trị.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền con người, trong thời gian tới, bên cạnh việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cần chủ động xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền nhằm thực hiện tốt hơn quyền con người trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên cơ sở pháp luật.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, chú trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập, quan tâm phát triển mạng lưới an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và các nhóm người dễ bị tổn thương, cho các vùng sâu vùng xa. Thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình.
Tăng cường hoạt động giáo dục, phổ biến về quyền con người, quyền công dân cho nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ về âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề quyền con người để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng CNXH.
Chủ động, tích cực, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái thù địch về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.
Xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm; thoái hoá, biến chất, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Sông Côn