Đảng viên đi trước
Trong những năm qua, các đảng viên người DTTS đã xác định rõ trách nhiệm của mình, nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, gương mẫu thay đổi nếp nghĩ cách làm, đi đầu trong mọi hoạt động, nhất là thực hiện những phần việc khó. Chính tinh thần ấy của các đảng viên đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, tiếp động lực để mỗi người dân mạnh dạn hơn trong việc thay đổi nếp nghĩ, thực hiện các mô hình hiệu quả.
Xin được thoát nghèo
Trồng xong đám mì, anh A Thang, thôn Đăk Jri, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) tranh thủ mua vật liệu về xây dựng, nới rộng phòng bếp. Thấy khách vào, anh ngưng tay, pha ấm trà rồi đon đả: “Bây giờ mình tự tin vận động người dân sử dụng các chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững”.
Những năm trước, là hộ nghèo, được nhận nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng là đảng viên, không để tư tưởng trông chờ, ỷ lại ăn sâu, khi thấy kinh tế gia đình tương đối ổn định, anh A Thang viết đơn xin thoát nghèo. Anh là một trong những hộ đầu tiên ở thôn, ở xã, ở huyện tình nguyện xin thoát nghèo. Anh bảo, đảng viên phải đi trước, nếu không phấn đấu thoát nghèo thì xấu hổ lắm. Hơn nữa, phải thoát nghèo để tạo động lực cho người dân trong thôn.
Thôi trông chờ, ỷ lại, anh chăm chỉ lao động, học hỏi cách tính toán chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Đến nay, với 1ha cao su, khoảng 3ha mì, 2 sào lúa nước, thu nhập của gia đình anh tương đối ổn định. Vượt qua khó khăn, anh có điều kiện sửa nhà cửa, mua sắm được tivi, tủ lạnh… và lo cho các con học hành đàng hoàng. Bí thư Chi bộ thôn Đăk Jri, anh A Hương nói rằng, từ khó khăn vươn lên, gia đình đảng viên A Thang trở thành động lực cho nhiều hộ gia đình trong thôn. Mọi người lấy A Thang làm gương để phấn đấu, chăm chỉ làm ăn.
|
Tiên phong trong giải phóng mặt bằng
Nếu anh A Thang được biết đến là người truyền cảm hứng trong việc thoát nghèo thì các đảng viên ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) lại là những điển hình tiên phong chấp hành chủ trương của Nhà nước trong việc nhận đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình. Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blà tâm sự, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Chính vì vậy, khi có chủ trương, Đảng bộ xã luôn dựa vào đội ngũ đảng viên, người có uy tín trong thôn làng cùng vận động người dân thực hiện.
Xã Đăk Blà có 432 hộ có 312 ha đất nằm trong Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu du lịch – Đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp thể thao tại xã Đăk Rơ Wa (gọi tắt là dự án tại xã Đăk Rơ Wa). Nếu như thời gian đầu, mọi người băn khoăn, e ngại, lo lắng thì ông A Hal – Bí thư Chi bộ thôn Kon Dreh Plâng đã nghiêm chỉnh cùng các cơ quan chức năng thực hiện các bước để Nhà nước thu hồi 2ha đất nông nghiệp. Ông dõng dạc nói: “Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, mình phải nghiêm chỉnh chấp hành. Việc thu hồi, đền bù đã theo quy định, mình phải biết đặt lợi ích của bản thân phù hợp trong lợi ích chung của toàn xã hội, vì sự phát triển của cả cộng đồng”.
Gần dân, hiểu nỗi lo của người dân, ông từ từ phân tích cho người dân thấy rằng việc nhận đền bù để thực hiện các dự án rất quan trọng, góp sức xây dựng thành phố thêm phát triển. Ông lấy câu chuyện của bản thân chấp hành thực hiện để giúp mọi người hiểu. Nhiều người thấy ông đi đầu rồi cũng yên tâm làm theo. Nhờ đó, công tác vận động nhanh chóng hơn. Đến bây giờ chỉ còn vài hộ chưa kiểm đếm, chưa hoàn thiện hồ sơ.
Khi nhận tiền đền bù, ông A Hal liền đi mua 6 con bò về nuôi. Sợ người dân sử dụng tiền sai mục đích, ông lại vận động người thân, hàng xóm mua gia súc, gia cầm về nuôi hoặc mua lại đất nông nghiệp ở những địa bàn khác để trồng trọt. “Không trồng trọt thì chăn nuôi. Nếu sử dụng tiền hợp lý thì kinh tế sẽ ổn. Thay đổi cách nghĩ, bây giờ, nhiều người trong thôn đã mua đất, mua bò, heo về chăn nuôi rồi”- ông A Hal chia sẻ.
Đầu tàu giữ vệ sinh môi trường
Không gặp khó trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) lại gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền để người dân giữ vệ sinh môi trường. Đặc biệt, ở làng Kon Hngo Klah, với gần 100% số hộ gia đình nuôi bò (đa số không xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh- pv) khiến vấn đề môi trường nơi đây càng thêm nhức nhối. “Từ ngày các đảng viên đi đầu, xây dựng chuồng trại xa nhà, người dân dần thay đổi ý thức” – ông A Đưa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Bay nhấn mạnh.
Đảng viên A Tứ - một trong những người tiên phong trong việc di dời, xây dựng chuồng trại nuôi bò ra xa nhà ở làng Kon Hngo Klah cười phấn khởi: “Bây giờ, gần 100% số hộ dân trong làng xây dựng chuồng trại đàng hoàng, mình mừng lắm”. Trước đây, quen với nếp cũ, người dân trong thôn không làm chuồng trại, nuôi nhốt bò dưới gầm sàn hoặc ngay cạnh nhà. Để việc tuyên truyền hiệu quả, bản thân anh cùng với các thành viên trong chi bộ thôn xác định phải đi trước để mọi người làm theo. Và rồi, anh để dành kinh phí, dành một khoảnh đất phía sau nhà, xây dựng chuồng trại đàng hoàng để nuôi bò. Hằng ngày, anh thường xuyên dọn, sử dụng phân bò vào bón cây trồng, hoa màu. Làm tốt, anh bắt đầu đi vận động mọi người.
“Làm chuồng trại đàng hoàng, không sợ nắng, không sợ mưa, bò ít bị dịch bệnh; làm chuồng xa nhà, dọn phân thường xuyên, không còn hôi hám, ruồi nhặng… Mình lấy câu chuyện của mình để giúp người dân hiểu ra vấn đề. Mình cũng hướng dẫn cho người dân cách làm chuồng trại, cách xử lý phân… Thấy mình nói hợp lý, nhiều gia đình đảng viên cùng thực hiện theo. Rồi người này, bảo người kia, đến nay thì nhà ai cũng có chuồng trại đàng hoàng, đường làng, ngõ xóm cũng sạch sẽ hơn” – anh A Tứ chia sẻ.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mỗi đảng viên luôn đi đầu trong thực hiện các hoạt động ở cơ sở. Từ tinh thần nêu gương, đảm nhận những việc khó, các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế cũng như loại bỏ các hủ tục, giữ gìn bản sắc văn hóa… đạt được những kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Hoài Tiến