Đảng viên A Klok tuổi cao, làm kinh tế giỏi
Ở thôn Đăk Trang, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi), ông A Klok (60 tuổi) được biết đến là một đảng viên cao tuổi làm kinh tế giỏi, với thu nhập hàng năm hơn 600 triệu đồng.
Cùng chị Bùi Thị Lệ Thu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) ghé thăm trang trại của ông A Klok, tôi thật sự ngỡ ngàng trước quy mô sản xuất của gia đình ông, cả một quả đồi phủ kín cao su, cà phê; có ao hồ để nuôi cá và lấy nước tưới cây.
Thấy chúng tôi, ông A Klok quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, đon đả: Tuổi tôi cũng đã lớn rồi, nhưng vẫn cố gắng làm để làm gương cho con cháu và bà con trong thôn xóm. Mấy hôm nay trời đã mưa nhiều hơn nên tôi tranh thủ trồng thêm mấy cây ăn trái.
Sau đó ông dắt tôi đi “khoe” cái ao mới đào. Vừa đi ông vừa kể cho tôi nghe về những tháng ngày vượt khó để có được thành quả như ngày hôm nay.
Sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, năm 1978, ông A Klok được kết nạp Đảng và công tác tại Công an huyện Đăk Tô. Đến năm 1991, ông được điều động về Ngọc Hồi, rồi lập gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.
|
Nhận thấy người dân địa phương chủ yếu sống nhờ nông nghiệp, tuy nhiên đa số là trồng mì, hiệu quả kinh tế không cao, nên ông đã cất công qua các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm trồng cà phê và cao su. Sau đó, ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất của gia đình đang trồng mì sang trồng cà phê (3 ha) vào năm 1994, và cao su (1 ha) vào năm 1996.
Ông A Klok tâm sự: Lúc tôi mới trồng cà phê, bà con ai cũng lắc đầu, do thấy lâu thu hoạch quá. Hồi đó, mỗi lần tưới cũng vất vả lắm, máy móc phải đi thuê, ống tưới thì nhỏ, muốn mua dầu chạy máy phải xuống thị xã mới có. Mỗi đợt tưới như vậy phải 15 ngày mới xong. Khi mùa mưa đến, tôi dùng lá chuối phủ lên lưng rồi làm cỏ, ăn cơm độn củ mì dành tiền mua thuốc trừ sâu, mua phân bón...
Thời gian trôi đi, cuốn theo những khó khăn, vất vả của hai vợ chồng, để lại những niềm vui, sự phấn khởi khi vườn cà phê đến tuổi thu hoạch. Khi hỏi về vụ thu đầu tiên, ông hào hứng kể: Ngay từ vụ đầu, tuy là thu bói, nhưng nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật nên quả chín đỏ mọng vây đầy cành như những vườn cà phê lâu năm. Giá cà phê hồi đó cao lắm, thương lái vô mua tận nơi, bà con ai cũng trầm trồ khen. Sau đợt đấy, nhiều gia đình trong xã cũng bắt đầu học hỏi kinh nghiệm để chuyển sang trồng cà phê.
|
Niềm vui nối tiếp niềm vui, sau bao năm chăm sóc, vườn cao su đã đến lúc khai thác. Ông A Klok kể rằng: Gia đình tôi lúc đó rất phấn khởi, vì ngày nào cũng có thu nhập, kinh tế gia đình dần ổn định hơn. Năm 2002, gia đình tôi đầu tư trồng thêm 4ha cà phê, 5ha cao su và đào hồ nước vừa nuôi cá vừa có nước tưới.
Bận rộn với công việc cơ quan, nên thời gian dành cho vườn tược rất ít, ông đã thuê 5 người làm thường xuyên, ổn định; giải quyết việc làm thời vụ hàng tháng cho hơn 10 người với mức thu nhập 150.000 đồng – 400.000 đồng/người/ngày (tùy theo công việc).
Sau gần 30 năm nỗ lực, đến hôm nay gia đình ông A Klok có 7ha cà phê, 6ha cao su, 2ha ao cá, chưa kể cây ăn quả. Ông tính nhẩm, trừ mọi chi phí, lãi ròng trên 600 triệu đồng/năm. Tích lũy và tiết kiệm qua các năm, bây giờ ông đã có một căn nhà khang trang, xe ô tô, máy cày phục vụ chở nông sản. Năm 2019, ông đầu tư 1, 2 tỷ đồng xây kho chứa, làm sân bê tông phơi nông sản rộng hơn 3.000m2.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn thường xuyên giúp đỡ các gia đình khó khăn trong khu dân cư cùng vươn lên. Chị Y Nốt (34 tuổi, thôn Đăk Trang, xã Đăk Xú) được ông giúp đỡ đã vươn lên thoát nghèo, với 2ha cà phê, 1ha cao su, thu thập hơn 100 triệu đồng/năm.
Hay như anh A Chiêng ở cùng xã, là người làm thuê cho ông A Klok cũng được giúp đỡ vươn lên trong cuộc sống. Biết A Chiêng hay uống rượu, chi tiêu không hợp lý, thay vì trả tiền công, ông A Klok đã dùng máy cày của mình, đào 1.000 hố trồng cà phê, hỗ trợ 600 cây giống và hướng dẫn anh kĩ thuật chăm sóc. Đến nay vườn cà phê của anh A Chiêng đã phát triển xanh tốt.
Anh A Chiêng cho biết: Tôi làm thuê cho ông A Klok được 10 năm rồi, ông tốt bụng lắm. Ông hỗ trợ cho gia đình tôi nhiều thứ từ ăn, uống, quần áo, những lúc ốm đau. Năm vừa rồi, nhờ có ông định hướng, thay vì nhận tiền công, tôi được ông đầu tư cho vườn cà phê, đến nay vườn cây lên xanh tốt rồi. Hồi đó mà tôi nhận tiền thì chắc cũng tiêu hết rồi.
Ông A Klok còn rất tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, khi xã làm đường bê tông nối 2 thôn Xuân Tân và Đăk Trang, ông đã tự nguyện hiến 280m2 đất (trị giá 250 triệu đồng). Từ ngày có con đường này, việc đi lại của bà con, nhất là vào mùa mưa, cũng dễ dàng hơn; ô tô, xe máy cày vào thôn mua bán hàng hóa thuận tiện hơn.
Chị Bùi Thị Lệ Thu cho biết: Mọi người trong xã từ già đến trẻ ai cũng kính trọng và nể phục ông A Klok, không chỉ vì ông giỏi làm ăn mà còn tốt bụng, luôn giúp đỡ người nghèo vươn lên; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào trong xã. Ông xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.
Văn Tùng