Đảng bộ huyện Sa Thầy: Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế
Với quyết tâm chính trị, việc thưc hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sa Thầy lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) về phát triển kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra những động lực để thực hiện thành công những chỉ tiêu kinh tế đặt ra vào cuối nhiệm kỳ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 17 chỉ tiêu, có 6 chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Theo đó, Đảng bộ huyện triển khai thực hiện quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ và đến nay đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Theo đánh giá, trước những khó khăn chung của bối cảnh kinh tế đất nước cũng như của tỉnh và huyện, mức tăng trưởng kinh tế từ đầu nhiệm kỳ đến nay tuy chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (14,29%), song vẫn giữ ở mức ổn định, đạt 100,16% so với thời gian đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 29,66% xuống còn 28,04%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 45,93% lên 48,64%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt 47,64 triệu đồng/người, tăng 1,19 lần so với đầu nhiệm kỳ, đạt 79,40% Nghị quyết.
|
Đặc biệt, nhờ sự tập trung lãnh đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nên sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện cả về quy mô, năng suất và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 1.235 tỷ đồng, đạt 71,8% Nghị quyết, vượt 22,60% so với đầu nhiệm kỳ. Một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện được chú trọng phát triển, nhân rộng; các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến như cao su, mì được huyện chú trọng phát triển mạnh. Chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ, quy mô đàn gia súc đến cuối năm 2022 có 26.140 con, đạt 66,97% Nghị quyết, vượt 74,78% so với đầu nhiệm kỳ. Về thủy sản, huyện hình thành một số mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện, tạo thu nhập cao cho người dân tại chỗ.
Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá. Các ngành công nghiệp chế biến phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, tạo nguồn thu chủ lực cho ngân sách địa phương, tiêu biểu như các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn huyện có công suất 24.763 tấn sản phẩm/năm; 2 nhà máy chế biến mì công suất 80.000 tấn/năm. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 74 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ; có 17 hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả, tăng 12 hợp tác xã so với đầu nhiệm kỳ, thu hút 215 thành viên và người lao động tham gia; 291 cơ sở công nghiệp xây dựng - tiểu thủ công nghiệp nhỏ, tăng 23 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Công tác thu hút đầu tư được quan tâm, tăng cường cải tiến rút gọn thời gian trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 29 nhà đầu tư đến địa bàn huyện để khảo sát, lập và đề xuất 35 dự án đầu tư, trong đó có 9 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 7.056,294 tỷ đồng; 8 dự án được UBND huyện giới thiệu vị trí đất để làm cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; 18 dự án khác đã và đang khảo sát, tìm hiểu cơ hội để đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quan tâm với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2020 - 2022 trên 502,30 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, hệ thống kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đều được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa; 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã và được cứng hóa; 11/11 xã, thị trấn có đường liên thôn được bê tông hóa; có 64/64 thôn, làng sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 100%; 93% hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thương mại có bước phát triển, mảng phân phối hàng hóa được cải thiện theo hướng cung ứng đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, chăm sóc sức khỏe, giải trí đều có bước phát triển. Các điểm du lịch đã phát huy ưu thế, tạo sự thu hút, quan tâm của du khách, lượng khách đến huyện. Hoạt động tín dụng tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong huy động vốn, đầu tư cho vay với tổng mức huy động đến cuối năm 2022 đạt 1.331,192 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay đạt hơn 2.841 tỷ đồng góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Những mục tiêu đạt được nói trên trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu còn lại vào cuối nhiệm kỳ.
Đức Nhuận