Đảng bộ huyện Kon Rẫy tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế
Trước những khó khăn, thử thách mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ huyện đã chỉ ra, cán bộ, đảng viên, quân và dân huyện Kon Rẫy quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, sớm đưa huyện nhà phát triển.
Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy - U Huấn khẳng định: Đến nay, Đảng bộ huyện Kon Rẫy đã có 11/11 chỉ tiêu phấn đấu vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ huyện đề ra. Điều đáng mừng kể từ khi thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng bộ huyện, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực...
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã xác định những khó khăn của một huyện miền núi với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh còn xảy ra; giá cả một số mặt hàng nông sản biến động xấu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của huyện.
Bởi thế, Huyện ủy đã tập trung vào lãnh đạo phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của toàn dân, toàn quân huyện nhà. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế.
Bí thư Huyện ủy U Huấn chia sẻ thêm: Phát triển kinh tế phải thực hiện đồng bộ và đều khắp; phải xác định được kinh tế mũi nhọn, cây trồng, vật nuôi của từng vùng để lãnh đạo, chỉ đạo địa phương đó quyết tâm thực hiện…
Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn, các ngành chức năng hướng dẫn, vận động nhân dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh, chú trọng công tác khuyến nông, khuyến lâm để nâng cao năng suất. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững...
|
Với sự đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng của mọi người dân, đến nay, kinh tế của huyện nhà có những bước chuyển biến tích cực. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất tiếp tục tăng so với năm 2017, ước đạt 1.058 tỷ đồng (đạt 102% kế hoạch, tăng 89 tỷ đồng so với cùng kỳ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó nông lâm - thủy sản tăng 6%, công nghiệp - xây dựng tăng 12%, thương mại - dịch vụ tăng 10%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,53 triệu đồng (năm 2017) lên 24,45 triệu đồng, đạt 104% kế hoạch...
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. Diện tích gieo trồng cây hàng năm và cây lâu năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tương đối ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.
Việc thực hiện các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và định hướng “xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững” từng bước được triển khai đồng bộ. Huyện cũng quan tâm triển khai cho các xã đăng ký danh mục xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện giai đoạn năm 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, triển khai kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.
Qua đó, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, tiếp cận đất sản xuất, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển mạnh và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân…
Huyện đã xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp như: mô hình trồng bắp làm nguồn thức ăn cho dê sữa; trồng chuối sứ; trồng nghệ, gừng; cà phê; chăn nuôi dê, bò… ở một số xã như Đăk Tờ Lùng, Đăk Pne…
Với đặc thù là huyện miền núi, có rừng nên huyện đã mạnh dạn thực hiện phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng... Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân sống gần rừng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững...
Những thành tựu mà quân và dân huyện Kon Rẫy đạt được trong năm 2018, là một minh chứng sống động để khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về quyết tâm phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội huyện nhà mà Nghị quyết XV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XVIII của Đảng bộ huyện Kon Rẫy đã đề ra.
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận