Dân vận khéo góp phần phát triển kinh tế-xã hội
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Glei chỉ đạo các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Theo đồng chí A Phương - Phó Bí thư Huyện ủy, để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, hướng dẫn của Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ban hành các chương trình, kế hoạch và lựa chọn các mô hình triển khai thực hiện.
Theo đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng nông mới, thay đổi nếp nghĩ cách làm, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS ở địa phương. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, việc thực phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang cây cà phê vối, cao su ở các xã phía nam và tây nam của huyện; phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh (cà phê chè), cây dược liệu ở các xã phía Bắc, Đông Bắc huyện.
|
Đồng chí Trần Thanh Trường - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Man khẳng định, để giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã, Mặt trận và các đoàn thể ở xã vận động người dân chuyển đổi đất trồng mì, lúa rẫy bạc màu sang phát triển mạnh cây cà phê xứ lạnh. Đến nay, người dân phát triển trên 260ha cà phê xứ lạnh. cà phê xứ lạnh trở thành cây “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, giúp dân giảm nghèo, nâng cao đời sống. Đồng thời với việc phát triển mạnh cây cà phê, xã cũng vận động nhân dân phát triển mạnh cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ở xã Đăk Long, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng có những chuyển biến tích cực. Đồng chí A Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, từ một xã người dân chuyên sản xuất các cây trồng truyền thống (lúa, bắp, mì), thông qua thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên trong xã, thôn vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh cây cà phê, cao su, cây ăn quả, cây mắc ca. Theo đó, đến nay, toàn xã phát triển 452,5ha cà phê, hơn 400ha cao su, gần 75ha cây ăn quả, 81,4ha mắc ca. Đến nay, diện tích cà phê, cao su kinh doanh góp phần giúp người dân ổn định và từng bước nâng cao đời sống.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Đảng ủy, UBND xã, MTTQ xã và các tổ chức đoàn thể còn tích cực vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo đó, đến nay, 8/9 thôn (trừ thôn Long Yên là thôn người Kinh) đều có nhà rông truyền thống, có ít nhất 1 bộ cồng chiêng, 1-2 đội cồng chiêng, xoang. Người dân ở các thôn đồng bào DTTS còn giữ gìn lễ hội truyền thống như ăn cơm mới, mừng nhà rông; nhiều người thuộc các bài dân ca. Các phong tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp dần dần được xóa bỏ.
|
Bằng những nỗ lực trong việc thi đua “Dân vận khéo”, tính đến cuối tháng 6/2023, toàn huyện phát triển 1.862,8ha cao su, 1.827,9ha cà phê, 402,6ha cây ăn quả, 364ha mắc ca, 33,4ha sâm Ngọc Linh, 753,9ha hồng đẳng sâm và 41ha ao nuôi thủy sản. Chăn nuôi tiếp tục ổn định, tổng đàn gia súc 30.313 con. Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt nông thôn mới; bình quân đạt 8,8 tiêu chí nông thôn mới/xã. Về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện có 11 sản phẩm của 7 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân đươc nâng lên.
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội có những chuyển biến tích cực. Những giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy; những phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp dần dần được loại bỏ. Chất lượng giáo dục được nâng lên, quy mô trường lớp được nâng cấp. Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân được quan tâm. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Hệ thống chính trị trên địa bàn huyện ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh ngày càng được tăng cường củng cố vững chắc.
Có thể khẳng định, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần tạo ra những tác động tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên