Dân vận khéo
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân, tỉnh ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, công tác dân vận đã có những đóng góp quan trọng.
Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Với đặc thù là tỉnh biên giới, hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, trong những năm qua, công tác dân vận, đặc biệt là phong trào “Dân vận khéo” được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm, lãnh đạo triển khai có hiệu quả, từ đó củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo nền móng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Công tác dân vận của chính quyền, lực lượng vũ trang tiếp tục có những chuyển biến tích cực; việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng đi vào nề nếp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ban dân vận các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn và từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị năm 2021.
|
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được mở rộng về phạm vi và đối tượng, dần trở thành phương thức quan trọng, thường xuyên và có hiệu quả trong công tác vận động nhân dân.
Các mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nhân rộng, phát huy vai trò vận động nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân. Hình thức tiếp xúc cử tri được mở rộng (tại nơi cư trú), tạo sự đồng thuận, mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị.
Công tác tiếp dân và đối thoại với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và nhân dân được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, trong gần ba năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh các năm 2020, 2021 và 9 tháng năm 2022 tiếp tục ổn định, phát triển trên các lĩnh vực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra.
Có thể khẳng định, công tác dân vận đã có đóng góp đặc biệt quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả “ nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế -xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác dân vận, có lúc, có nơi hiệu quả chưa đạt được như mong muốn, nhất là việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp ở các địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế.
Việc tổ chức các hoạt động phong trào của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội chưa thường xuyên, chưa tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia; chưa thường xuyên phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động.
|
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác dân vận theo phương châm: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận ở các cấp, các ngành. Tăng cường bám cơ sở, đổi mới phương thức tiếp cận theo hướng linh hoạt để kịp thời giải quyết những vấn đề mà nhân dân và dư luận xã hội quan tâm. Tranh thủ tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện kịp thời công tác dân vận; triển khai sâu rộng hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo”, nhân rộng mô hình hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.
Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư; tăng cường tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động gắn với đưa Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa.
Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng có lý luận, bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó, có cơ chế, chính sách thu hút người có năng lực, có uy tín, có kinh nghiệm làm công tác dân vận; chú trọng luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ tuổi, có năng lực về làm công tác dân vận.
Sông Côn