Cán bộ, đảng viên phải tự giác nghiên cứu, học tập nghị quyết
Nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận (gọi chung là nghị quyết) là khâu đầu tiên nhằm đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết đề ra.
Nhận thức rõ điều đó nên trong những năm qua, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết. Các nghị quyết vừa được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhanh chóng, kịp thời triển khai đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, tạo nên những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Hầu hết cấp ủy đã gắn giữa học tập những nội dung cơ bản của nghị quyết với liên hệ thực tiễn, lồng ghép nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chất lượng đội ngũ báo cáo viên, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là người trực tiếp báo cáo, quán triệt nghị quyết tại địa phương, đơn vị ngày càng được nâng cao. Sau mỗi buổi học tập nghị quyết, các cán bộ, đảng viên đều trình bày những nhận thức, hiểu biết cơ bản về các nội dung được quán triệt, đồng thời đề xuất các ý kiến, các giải pháp để đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất theo mẫu phiếu mà Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng.
|
Đặc biệt, những năm gần đây, các cấp ủy đã ứng dụng công nghệ trong tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết (hình thức trực tuyến), không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức mà còn mở rộng đối tượng tham gia học tập. Nhiều hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết do trung ương, tỉnh tổ chức được nối về tận điểm cầu các xã, thị trấn. Đông đảo cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh được các báo cáo viên trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh trình bày, quán triệt đã nhận thức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản, giải pháp mà các nghị quyết đề ra, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc học tập, quán triệt nghị quyết vẫn còn những hạn chế. Tại Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII và phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được Tỉnh ủy tổ chức ngày 19/10 mới đây, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu học tập, quán triệt nghị quyết phải nghiêm túc, tránh tình trạng thiếu tập trung, làm các việc riêng. Các đại biểu phải nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu, học tập để đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Không phải ngẫu nhiên mà Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc khi học tập nghị quyết. Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
“Lười học” nghị quyết dẫn đến tình trạng học đối phó, không tập trung lắng nghe, ghi chép, làm các công việc riêng (nói chuyện riêng, lướt mạng xã hội, đọc báo…), thậm chí lấy lý do công việc để vắng học, học qua loa, chiếu lệ hay khai mạc thì đông, bế mạc thì thưa thớt... Khi đã thiếu tập trung, làm các công việc riêng thì chắc chắc khó nắm bắt được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đề ra và tất nhiên cũng khó mà nghiên cứu, áp dụng, đưa nghị quyết vào thực tiễn công việc của bản thân, của địa phương, đơn vị sao cho sát sao, sáng tạo, hiệu quả.
Về vấn đề này, mấu chốt vẫn chính là tinh thần, thái độ, sự thiếu ý thức của một số cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, với trình độ dân trí, nhận thức và mối quan tâm khác nhau, cộng với đặc thù của một tỉnh miền núi có hơn 50% dân số là đồng bào DTTS có những rào cản về ngôn ngữ, nếu áp dụng chung hình thức, phương pháp học tập, quán triệt cho mọi đối tượng thì trong một số trường hợp chưa phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng của một số báo cáo viên, đặc biệt là ở cấp cơ sở chưa cao nên phương pháp quán triệt nghị quyết còn thiếu sáng tạo, độc thoại, chủ yếu là phổ biến lại, mà chưa đi sâu phân tích và ít có sự liên hệ gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị… Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết và tất nhiên cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
“Tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng công tác quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng” là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2020 -2025 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Và cùng với nhiều giải pháp đã, đang và sẽ được các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh triển khai để đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết thì yếu tố đầu tiên, quan trọng và cốt lõi chính là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong nghiên cứu, học tập nghị quyết. Chắc chắn rằng, một khi mỗi cán bộ, đảng viên xác định học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm thì sẽ không còn tình trạng “lười học” nghị quyết.
Nguyên Phúc