Bản trường ca tháng Chín
Có đôi khi, lịch sử đi những vòng kỳ lạ. 90 năm trước, ngày 25/9/1930, ngay ở “địa ngục trần gian” Ngục Kon Tum, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum ra đời, đến năm 2006, ngày 25/9 được chọn làm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh. Và sau 15 kỳ đại hội, lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh Kon Tum tổ chức đại hội đúng vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh.
Hạt giống đỏ nảy mầm xuân lịch sử
Tôi không thể thống kê hết có bao nhiêu bài báo viết về Ngục Kon Tum. Cũng không muốn nêu lại những cứ liệu lịch sử, mà chỉ muốn để cảm xúc làm chủ suy nghĩ, dẫn dắt bài viết của mình một lần, để toàn tâm toàn ý tưởng nhớ các bậc tiền nhân trong buổi chiều thu nay.
Thắp nén nhang thơm trước bia mộ trong những ngày tháng Chín rực rỡ cờ hoa này mà tôi cứ nghe đâu đây tiếng hô tranh đấu vì đất nước, vì giống nòi của những người Cộng sản “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, người này chết người kia xông lên trước hòn tên mũi đạn.
Trong gió trời xào xạc, trong sóng nước Đăk Bla lao xao, tôi cố hình dung lại hình ảnh, trên con đường thiên lý rừng thiêng núi thẳm từ Quy Nhơn lên Kon Tum, từng đoàn tù chính trị tay xích chân cùm, lê bộ chân không ngày này qua tháng nọ trên quãng đường gần 300 cây số về nơi giam giữ, để rồi nơi đây nhen lên ngọn lửa hồng cách mạng.
Theo các cứ liệu lịch sử thì từ năm 1915, Ngục Kon Tum đã được thực dân Pháp xây dựng để nhốt tù thường phạm. Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 thì ngục được mở rộng để lưu đày tù chính trị. Lúc cao điểm Ngục Kon Tum đã giam giữ hơn 500 tù chính trị. Trong đó có những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu mà tên tuổi còn sống mãi với Kon Tum, như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng...
Và đây chính là nguồn nhân công để làm đường Đăk Pao, Đăk Pét. Số người chết vì phải đi làm đường khá nhiều. Theo "Ngục Kon Tum" của cụ Lê Văn Hiến, trong số 295 người đi Ðăk Pét đợt một thì đã 215 người đã chết…
|
Trong những lần trở thành "hướng dẫn viên" cho bạn bè từ các tỉnh, thành phố khác tới thăm viếng Ngục Kon Tum, điều khiến tôi tự hào nhất là được giới thiệu rằng, chỉ ít lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), thì ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này, ngay trong "địa ngục trần gian" Ngục Kon Tum, nơi được thực dân Pháp xây dựng nhằm "bóp nghẹt ý chí chiến đấu của tù chính trị" đã có một chi bộ cộng sản ra đời- Chi bộ binh.
Người có công đầu tiên và lớn nhất trong sự kiện này chính là tù nhân chính trị Ngô Đức Đệ. Tại đây, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự khôn khéo của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, để đến giữa tháng 9/1930, lần lượt kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập.
Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ binh, nhiều cuộc đấu tranh với những hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra. Ðỉnh điểm là sáng 12/12/1931, tù chính trị đấu tranh quyết liệt phản đối việc lên Đăk Pét lần 2, lính Pháp đã nã súng vào nhà ngục. Kết quả cuộc đấu tranh kiêu dũng ấy có tám người chết, tám người bị thương. Sử sách sau này gọi bằng cái tên bi tráng "Cuộc đấu tranh lưu huyết", gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Trương Quang Trọng.
Số tù nhân còn lại tiếp tục tuyệt thực để phản kháng sự áp bức bất công. Và một lần nữa, vào ngày 16/12/1931, thực dân Pháp lại xả đạn vào lao tù giết chết bảy người và bảy người bị thương. Sau được gọi là cuộc "Ðấu tranh Tuyệt thực".
Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đến một năm, nhưng Chi bộ binh là "hạt giống đỏ nảy mầm xuân lịch sử" ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.
|
Viết tiếp bản trường ca
Bao giờ cũng vậy, mỗi lần đến với Ngục Kon Tum, dù chỉ kịp thắp nén tâm nhang dâng lên anh linh các bậc tiền bối cách mạng rồi vội vã đi, hay có thời gian dạo bước dưới những tán cây, thăm khu trưng bày hiện vật thì tôi vẫn thấy như mình đang được nghe một bản trường ca hùng tráng.
Bởi Ngục Kon Tum không chỉ là nơi kẻ thù giam cầm, đày ải những chiến sĩ cách mạng kiên trung, là "địa ngục trần gian", mà còn là mảnh đất ươm mầm xuân lịch sử cho quê hương Kon Tum. Từng tấc đất nơi đây không chỉ lưu giữ xương máu của các bậc tiền bối cách mạng mà còn là biểu tượng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên trung của người chiến sĩ cộng sản.
Bản trường ca hào hùng, bất khuất ấy đã vang vọng 90 năm, là cội nguồn sức mạnh, cổ vũ, thúc giục Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn gian khó, góp sức cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm. Và bản trường ca ấy sẽ còn được lớp lớp con cháu viết tiếp để mãi ngân vang.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum tập I (1930-1975), sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ngay trong năm 1930 là sự kiện có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ tiến trình phát triển của phong trào cách mạng ở Kon Tum; là kết quả của một quá trình vận động, phát triển tất yếu của phong trào cách mạng tỉnh Kon Tum, từ tự phát đến tự giác, từ chủ nghĩa yêu nước đến giác ngộ cách mạng, đi theo con đường của Đảng Cộng sản. Chi bộ Cộng sản ra đời đã quy tụ các tầng lớp nhân dân Kon Tum về một mối, hướng họ cùng quan tâm đến một mục đích: đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc, giải phóng quê hương; tạo ra nhịp cầu nối liền cách mạng Kon Tum với phong trào cách mạng trong nước, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Trong những lần may mắn gặp gỡ đồng chí Y Vêng- nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, tôi thường được nghe đồng chí nói về truyền thống tự hào của Đảng bộ tỉnh. Theo đồng chí, kể từ ngày 25/9/1930 lịch sử ấy, Đảng bộ tỉnh Kon Tum chính là sợi chỉ đỏ, là hạt nhân chính trị và cội nguồn sức mạnh.
Nhờ có hạt nhân ấy, nền tảng sức mạnh ấy mà trong suốt 90 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng nỗ lực cố gắng, phấn đấu thi đua, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cùng nhân dân cả nước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Từ Chi bộ Cộng sản đầu tiên, 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của mình. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc; 197 đảng bộ cơ sở (với 1.845 chi bộ trực thuộc, 1 đảng bộ bộ phận) và 463 chi bộ cơ sở. Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, đã thực hiện rà soát, sắp xếp nâng 21 chi bộ thành đảng bộ; thành lập mới 8 đảng bộ và 47 chi bộ cơ sở; giải thể 65 tổ chức cơ sở đảng.
Từ những hạt giống đỏ nảy mầm xuân, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có hơn 29 nghìn đảng viên. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 5.853 đảng viên (đạt 117,06% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh), tăng 18,79% so với tổng số đảng viên từ đầu nhiệm kỳ; trong đó số đảng viên trong độ tuổi thanh niên tăng 17,98%; số đảng viên người DTTS tăng 16,03%; số đảng viên có tôn giáo tăng 29,28%.
Đến nay, có 756/756 thôn, tổ dân phố có tổ chức đảng; có 441/756 thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên (chiếm 58,3%); 67/441 bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố (chiếm 15,19%).
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhấn mạnh, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến và đạt được nhiều thành quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hằng năm luôn duy trì ở mức khá. Văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Những thành tựu ấy sẽ là nền tảng vững chắc, là động lực mạnh mẽ cho những bước phát triển tiếp theo.
Và trong hành trình viết tiếp bản trường ca lịch sử, bài học kiên trung vượt qua khó khăn, thách thức, biết tạo ra cơ hội và nắm lấy thời cơ từ sự ra đời của chi bộ đầu tiên luôn giữ nguyên vẹn giá trị.
Hồng Lam