“3 bám, 4 cùng” giữa đại ngàn Chư Mom Ray - Bài 2: Làng Le khởi sắc
Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai luôn phát huy tối đa “3 bám, 4 cùng” gắn bó cơ sở. Sự gần gũi, chân tình, những giải thích có tình, có lý đã giúp bà con dần nhận ra cái đúng, cái sai, thay đổi nhận thức một cách tích cực. Đến nay, người Rơ Măm đã từng bước biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đời sống không còn phụ thuộc hoàn toàn vào rừng như trước nữa; các hủ tục, phong tục lạc hậu hầu như đã được xóa bỏ.
|
|
Dạo quanh làng, vừa đi, ông A Thái - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le vui vẻ trò chuyện với tôi: Bây giờ bà con làng Le đã có thay đổi căn bản trong sản xuất. Trước đây, bà con không dùng phân bón trong trồng trọt, canh tác, chỉ xuống giống rồi để cây tự phát triển. Vì vậy, cây trồng thường cho năng suất thấp, kém chất lượng. Tuy nhiên, bây giờ thì khác nhiều rồi, hộ gia đình nào cũng biết dùng phân bón, biết áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Trung bình hàng năm, mỗi hộ gia đình trong làng có thu nhập khoảng 60 triệu đồng, có nhiều hộ tăng gia sản xuất tốt thu đến 160 triệu đồng.
Ngoài chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, bà con đã biết dựa vào thế mạnh của địa phương để khai thác, tăng thêm thu nhập. Ví dụ như trước đây, bà con vào rừng hái, thu các loại lâm sản phụ (măng, rau dớn…) chỉ để ăn uống hàng ngày. Bây giờ, nhiều hộ gia đình đã biết lấy về để bán hoặc bỏ cho các quán ăn. Theo ông A Thái cho biết, những người hái giỏi thậm chí có thể kiếm được khoảng 500 nghìn đồng/ngày.
Bên cạnh tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai cũng luôn chú trọng đấu tranh với các hủ tục, phong tục lạc hậu và đã đạt kết quả tích cực.
Chỉ tay về hướng cuối làng, chất giọng trầm trầm của ông A Thái thoáng chút run run: Nhà báo biết vụ việc A Lương chứ, cũng đã từng lên ti vi đấy! Nhà A Lương chỉ cách đây mấy nhà thôi. Ngày đó sau khi sinh A Lương, thì mẹ em mất. Theo phong tục, A Lương sẽ phải chôn theo mẹ. Những tưởng số kiếp đã an bài với A Lương, thì các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai nghe tin, đã tức tốc có mặt ở làng. Nhờ vào sự can ngăn, giải thích kịp thời và uy tín đối với bà con, các chiến sĩ đã nhận A Lương làm con nuôi của đồn. Đến nay, A Lương đã 22 tuổi, trở thành một thanh niên cường tráng, là một công nhân cạo mủ cao su chăm chỉ. Mỗi khi nhắc đến các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, em nó lại biết ơn, xúc động vô cùng.
Theo lời ông A Thái, trong quá khứ, các hủ tục, phong tục lạc hậu dường như luôn là cái bóng đen đeo bám bà con làng Le, như: Tục bỏ mả, ma chay, cúng chữa bệnh. Mỗi khi sự việc diễn ra, bà con đều phải mổ trâu, bò, heo, gây tốn kém lớn về thời gian, kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bà con nghèo vẫn hoàn nghèo.
Để xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai phối hợp cùng đảng viên tại chỗ, cấp ủy địa phương thường xuyên tuyên truyền; trong đó, phương châm “3 bám, 4 cùng” luôn được phát huy tối đa. Sự gần gũi, chân tình, những giải thích có tình, có lý, đã giúp bà con dần nhận ra cái đúng, cái sai và thay đổi nhận thức một cách tích cực. Cho đến nay, các hủ tục, phong tục lạc hậu hầu như không còn trong đời sống của bà con người Rơ Măm nơi đây.
Điển hình như trước đây, việc cúng của bà con diễn ra rất thường xuyên. Thậm chí trong một mùa thu hoạch rẫy, có thể cúng đến 5 lần. “Bà con phát rẫy là phải cúng, đợi lúa mọc lên là cúng, rồi lúa trổ bông cũng cúng, đến cuối cùng sau khi bỏ kho và xuất kho đều phải cúng. Mỗi lần cúng bắt đầu từ quy mô từng hộ gia đình, rồi sau đến cấp làng. Khi ấy, các loại gia súc (trâu, bò, heo…) đều mang ra thịt hết, nhiều khi tổ chức linh đình quá 3 ngày 3 đêm. Cứ như vậy, “tiền cá quá tiền cơm”, một mùa rẫy thu hoạch cũng chả đủ để bù tiền cúng. Chưa kể đến các dịp lễ cưới hỏi, ma chay, bà con đều tổ chức từ 2-3 ngày, gây ảnh hưởng về kinh tế rất nhiều. Thậm chí có nhà không có, phải đi vay, mượn để mời hàng xóm, láng giềng” - ông A Thái nhớ lại.
Bây giờ, nhận thức của bà con ngày một nâng cao. Từ việc thay đổi nếp nghĩ, bà con đã vận dụng cách làm mới, tiến bộ. Thay vì vào vụ mùa, cúng bái nhiều đợt, nay người Rơ Măm ở làng Le chỉ giữ lại một lễ hội ăn mừng lúa mới, các gia đình dùng gà, vịt, để thay cho việc mổ gia súc. Ở làng, các hộ gia đình góp mỗi nhà chút ít tiền để mua con heo về cúng. Nhờ vậy, chi phí cho lễ hội đã giảm đi rất nhiều. Các dịp cưới hỏi, ma chay cũng không còn tổ chức dài ngày như trước nữa, chỉ gói gọn trong 1 buổi, để ngày hôm sau có thể ra ruộng, lên rẫy.
|
Đại úy Lưu Ngọc Anh- Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mô Rai tâm sự: Qua công tác vận động, nắm bắt địa bàn, chúng tôi ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, các hủ tục hầu như đã không còn tồn tại trong đời sống của người Rơ Măm nữa. Đối với các phong tục lạc hậu, còn rất ít và chuyển biến mạnh theo chiều hướng tích cực.
Ông Ngô Công Phương - Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai đánh giá: Công tác phối hợp giữa Đảng ủy, UBND xã Mô Rai và Đồn Biên phòng Mô Rai luôn được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ. Thông qua việc ký kết thực hiện quy chế phối hợp, kết nghĩa giữa địa phương và Đồn Biên phòng, đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng tổ chức đảng của xã. Từ quy chế phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát việc duy trì sinh hoạt Đảng của các chi bộ được đảm bảo theo quy định. Tập trung khắc phục được hạn chế trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, phát huy tính gương mẫu đi đầu của đảng viên, nhất là đảng viên nông thôn, đảng viên phụ trách nhóm hộ. Cùng với xu thế thuận lợi chung của xã, ở làng Le, nhờ có Chi bộ cơ sở vững mạnh, luôn sát dân và có những định hướng đúng cho dân làng thực hiện. Nhờ đó, đã tạo được chuyển biến quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của làng, góp phần xây dựng thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân ngày thêm vững chắc.
Tất Thành