KỶ NIỆM 85 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH LƯU HUYẾT TẠI NGỤC KON TUM (12/12/1931-12/12/2016)
Tinh thần quật khởi của những người cộng sản
Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp là cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra vào ngày 12/12/1931. Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ tù chính trị ở Ngục Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới; lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của thực dân Pháp.
Từ khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã thi hành nhiều chính sách khủng bố đẫm máu nhằm tiêu diệt tận gốc phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Hệ thống các nhà tù như: Hoả Lò, Khám Lớn, Côn Đảo, Lao Bảo, Sơn La, Ngục Kon Tum... lần lượt ra đời nhằm giam cầm những người yêu nước với các công cụ tra tấn bạo lực để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915 - 1917. Ban đầu, nơi đây chỉ giam giữ những người dân địa phương bị Pháp ghép vào “tội” chống đối hoặc vi phạm “pháp luật” của chúng.
|
Đến năm 1929, thực dân Pháp bắt đầu đưa một số tù nhân chính trị từ nơi khác về giam giữ tại đây. Nơi đây đã ghi dấu sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Kon Tum đối với những người tù chính trị. Chỉ trong vòng 3 năm (1930-1933), nhà Lao Trong đã chứng kiến nhiều tội ác của thực dân Pháp và sự hy sinh của gần 300 chiến sĩ cách mạng trong tổng số trên 500 tù nhân được đưa lên Kon Tum.
Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đó là cuộc đấu tranh lưu huyết diễn ra vào ngày 12/12/1931. Trước âm mưu thâm độc của bọn giặc là đưa người tù chính trị đi lao động khổ sai làm đường vừa cách ly được tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi; đồng thời lợi dụng lam sơn chướng khí, lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần, giết mòn người tù nên chỉ trong 6 tháng (từ tháng 12/1930- 6/1931) đã có hơn 170/500 người tù hy sinh chốn rừng thiêng. Sau 6 tháng khổ sai làm đường 14, vừa trở lại Nhà ngục Kon Tum, chúng lại âm mưu tiếp tục cưỡng bức tù nhân đi làm đường trên Đăk Sút, Đăk Pao (thuộc địa phận huyện Đăk Glei hiện nay).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chiến sĩ cộng sản trong nhà lao liên tục đấu tranh, ở Lao Ngoài, số tù chính trị cũ và mới gặp nhau trao đổi kinh nghiệm đấu tranh, hình thành một ban lãnh đạo chung và hạ quyết tâm: “Muốn sống, không có con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh mà Đảng đề ra. Muốn bảo đảm cuộc đấu tranh thắng lợi, nhất định chúng ta phải làm cho anh em đoàn kết nhất trí, có quyết tâm cao. Phải đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, có kế hoạch chu đáo...”.
Với ý chí ấy, tù nhân ở Lao Ngoài kiên quyết phản đối, thà chết tại chỗ chứ nhất quyết không đi làm đường và đã bị cai ngục khủng bố dã man. Chúng đã xả súng vào những người tù chính trị; chỉ trong vài phút đã bắn chết 8 người, bắn bị thương 8 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh.
Cuộc đấu tranh lưu huyết, với tinh thần quyết liệt, chấp nhận hy sinh của các tù nhân chính trị vì mục tiêu cao cả “chết để sống”, “chết một người để cứu muôn người”... đã thể hiện được bản lĩnh, khí phách hiên ngang của các chiến sĩ cộng sản trước lưỡi lê, mũi súng tàn bạo của quân thù; thể hiện ý chí khát vọng vươn lên đấu tranh tìm đến chân lý, độc lập, tự do cho mọi người, cho dân tộc. Không những vậy, cuộc đấu tranh lưu huyết này còn là biểu tượng cao đẹp của người tù cộng sản trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ tù chính trị ở Ngục Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm của con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới được rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh của ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của thực dân Pháp.
Cuộc đấu tranh lưu huyết cũng đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị thực dân Pháp tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Chúng từ bỏ việc xây dựng đường 14, bỏ hoàn toàn Nhà ngục Kon Tum vào năm 1934. Điều đó chứng minh sự thừa nhận thất bại của thực dân Pháp trước tinh thần đấu tranh quyết tử của tù chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Hình ảnh những người tù chính trị đã đi vào lịch sử Nhà ngục Kon Tum kiên cường, bất khuất - một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung, anh dũng của những người cộng sản. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng.
Cao Cường (Tổng hợp)