Xã Hoà Bình: Trường Mầm non khang trang nhưng... không có nước sinh hoạt
Trường Mầm non Hoàng Sa (xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum) có 1 điểm trường chính và 5 điểm lẻ, tất cả đều đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng, điều đáng nói là có tới 4/5 điểm trường lẻ không có giếng nước nên hằng ngày giáo viên dạy ở điểm lẻ đều phải xin nước từ nhà dân để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cô và trò…
Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2015, xã Hoà Bình (thành phố Kon Tum) đã đầu tư xây dựng 4 điểm trường thuộc Trường Mầm non Hoàng Sa rất quy mô, bài bản theo đúng chuẩn nông thôn mới.
Đó là điểm trường thôn Đăk Krăk, Plei Dơng, Kép Ram và thôn 5. Mỗi điểm trường được xây dựng với diện tích 100m2 bao gồm phòng học của học sinh, phòng giáo viên, khu vệ sinh khép kín; tổng mức đầu tư cho mỗi điểm trường lên tới hơn 400 triệu đồng.
Thế nhưng, có một điều bất cập là các điểm trường dù được xây dựng rất khang trang, to đẹp, song tất cả đều không có giếng nước nên mọi sinh hoạt tại lớp của giáo viên và học sinh đều rất khó khăn.
|
Hằng ngày bất kể mưa hay nắng, các giáo viên dạy ở các điểm lẻ này đều phải xách xô sang nhà dân để xin nước hoặc khi đến lớp các cô phải chở theo từng can nước để cô trò sử dụng.
Cô Vũ Thị Hoài Phương (dạy ở điểm trường thôn 5) cho biết: Từ hồi xây điểm trường xong đến nay, toàn bộ hệ thống bồn nước, nhà vệ sinh, bồn rửa mặt đều chưa một lần sử dụng vì điểm trường không có giếng. Hằng ngày, sáng đến lớp là em phải xách sẵn 3 xô nước để trong khu vực vệ sinh dùng để rửa mặt, rửa chân tay cho các cháu và lau dọn nhà cửa, hết đến đâu em lại đi xin đến đó. Mùa mưa thì em tranh thủ hứng thêm nước mưa để cô trò dùng chứ mùa nắng thế này thì phải xách nước liên tục. Không có nước dùng nên chuyện đi vệ sinh của học sinh mới “dở khóc, dở cười”, tiểu tiện là gần như đều tự do ra ngoài sân đất hết, chỉ bé nào đau bụng thì mới được đi trong nhà vệ sinh. Vậy chứ, nhiều lúc các cháu đến lớp bị nôn, tiêu chảy hay chơi đùa làm quần áo dơ bẩn, em toàn phải mang sang nhà hàng xóm để giặt nhờ.
Ở điểm trường thôn Kép Ram, do khoảng cách từ lớp học đến nhà dân khá xa nên mấy tháng trước, nhà trường đã đầu tư mua ống rồi nhờ giếng của một gia đình ở gần trường nhất bơm lên bồn để giúp cô giáo đỡ cực khi hằng ngày phải đi xách nước mấy chuyến liền.
Thế nhưng, cô giáo Đặng Thị Hoài Tâm cho biết: Một tuần em mới dám xin bơm 1 lần được khoảng nửa bồn 1.000 lít để dành cho cô trò dùng dần bởi vì giếng của người dân cũng ít nước, 2- 3 nhà lại dùng chung một giếng, bản thân các gia đình còn phải đi lấy thêm nước giọt về dùng nên dù người dân rất tạo điều kiện cho lớp học thì em cũng thấy ái ngại. Vả lại, mỗi lần xin nước thật tình chỉ nguyên việc kéo ống cũng đứt hơi vì đường ống rất xa; nhưng thế vẫn là may chứ như thời điểm đầu năm học, em còn phải chở thêm nước bằng can từ nhà đến trường.
Điểm trường thôn Đăk Krăk có vẻ khá hơn khi năm học này xã Hoà Bình đã trích kinh phí mua hỗ trợ một máy bơm và lắp đường ống để bơm nhờ nước từ giếng của hộ gia đình bên cạnh lớp học để giáo viên và học sinh thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, ở khu vực này, giếng của người dân cũng khan nước nên các cô giáo cũng chỉ dám xin cầm chừng, dùng dè xẻn, hạn chế thấp nhất lượng nước dùng.
|
Không có giếng nên hệ thống nước, nhà vệ sinh rất hiện đại của các điểm trường đều bị xuống cấp, hư hỏng dần theo từng ngày gây lãng phí tiền của của Nhà nước.
Chẳng hạn như tại điểm trường thôn 5, toàn bộ hệ thống van khoá của 2 chậu rửa mặt và 2 bồn cầu đều đã hỏng. Tại điểm trường thôn Đăk Krăk, các van khoá, ống thoát nước đều đã hỏng; thiết bị vệ sinh bị bể, vỡ... Bây giờ nếu muốn dùng được thì cần phải tu bổ, sửa chữa lại.
Cô Lê Thị Phước Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Sa chia sẻ: 4 điểm lớp có tổng số 131 học sinh. Học sinh mầm non nên nhu cầu dùng nước rất cao, nhưng vì không chủ động được nguồn nước nên các giáo viên ở điểm trường đều phải rất dè xẻn khi dùng, vì thế mà sinh hoạt tại lớp của giáo viên và học sinh rất bất tiện, khó chịu. Nhìn hệ thống bồn, ống nước phơi mưa phơi nắng, các thiết bị vệ sinh hoen gỉ từng ngày, nhà trường cũng xót ruột; thế nhưng “lực bất tòng tâm” vì phụ huynh ở các thôn, làng đều rất khó khăn, không thể huy động xã hội hoá để làm các giếng nước được.
Lý giải về việc các điểm trường được xây dựng to đẹp, hiện đại nhưng lại không có giếng nước, ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hoà Bình cho biết: Trong vốn đầu tư xây dựng trường học của chương trình nông thôn mới thì không có hạng mục giếng nước. Chúng tôi cũng rất hiểu nỗi khổ của học sinh và cô giáo khi không có nguồn nước để dùng, nhưng xã cũng không biết lấy nguồn nào để làm. Theo tính toán, mỗi giếng nước đào thủ công dao động khoảng 14 – 15 triệu đồng và xã cũng đã làm tờ trình xin UBND thành phố Kon Tum hỗ trợ. Tuy nhiên, trước mắt thì vẫn cứ phải chờ và các giáo viên vẫn phải chịu khó đi xin và xách nước về để dùng.
Không có giếng nước để dùng, vậy là các giáo viên Trường Mầm non Hoàng Sa dạy ở điểm lẻ ngoài việc dạy học, hằng ngày còn phải đảm nhận thêm công việc đi xin nước. Song điều đáng nói hơn là các điểm trường này đã được đầu tư xây dựng với số tiền không nhỏ, nhưng lại không thể làm nổi cái giếng chỉ hơn chục triệu đồng khiến cho những thiết bị vệ sinh được cho là hiện đại có cũng như không; mọi sinh hoạt của giáo viên và học sinh không hề được cải thiện như mục tiêu đề ra khi xây trường.
Thuỳ Hương