Vượt gian nan, xây tổ ấm
Từ việc làm thuê cuốc mướn, vợ chồng chị Đỗ Thị Hảo ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đã vươn lên làm chủ trang trại hơn 19ha với thu nhập hàng năm khoảng 1 tỷ đồng.
Vốn đã nhiều việc, vào mùa vụ, chị Hảo càng thêm bận. Vừa quán xuyến nhân công thu hoạch cà phê 7,5ha, vừa khai thác mủ cao su 1,5ha, chị gần như không có thời gian. Mà đâu chỉ cà phê, cao su, hiện tại, vợ chồng chị còn 4ha mì chưa thu hoạch.
“Năm nay, ước tính thu được khoảng 1 tỷ đồng. Trừ chi phí nhân công, phân bón, cũng còn khoảng 500 triệu đồng. Thu hoạch xong, còn phải phát dọn, chống cháy cho khoảng 7ha keo tai tượng mới trồng. Làm nông, cứ quần quật suốt ngày nhưng vui” – chị Hảo chia sẻ.
Nhìn 19ha phủ xanh các loại cây trồng của gia đình chị hôm nay, ít ai biết rằng, vài năm trước, gia đình chị phải chật vật đi làm thuê, cuốc mướn để lo từng bữa ăn cho các con.
Năm 2013, ở Bình Phước làm ăn khó khăn, từ lời giới thiệu của người thân, gia đình chị khăn gói lên Ngọc Hồi. Với ít vốn liếng có được, chị mua 2,5ha đất đồi cách trung tâm xã Sa Loong khoảng 4km. “Hồi đó không có tiền nên phải suy tính, mua đất đồi rẫy để trồng trọt rồi ở tạm trong đó. Nhìn đường đất lầy lội, dốc cao cũng sợ lắm. Cứ nghĩ sẽ không làm được, nhưng rồi phải cố gắng chứ biết sao” – chị Hảo kể lại.
Nhớ lại ngày ấy, chị rưng rưng: Hồi ấy không có điện, con cái phải học bằng đèn dầu; đường ra trường thì trơn trượt, bị ngã suốt.
|
Không có vốn, vợ chồng chị phải đi làm thuê để có tiền trang trải hàng ngày. Đường sá đi lại khó khăn, khi thu hoạch mì, xe thu mua không vào được, vợ chồng chị phải lăn từng bao mì từ trên triền dốc xuống mặt đường. Nhưng khó khăn không nản chí, với sự cần cù, siêng năng, năm 2014, nhờ nguồn thu từ rẫy mì, anh chị cũng dành dụm mua được đèn năng lượng mặt trời để thắp sáng.
Xác định, làm nông phải bắt đất “đẻ ra tiền”. Anh chị tiếp tục trồng trọt, dành dụm, vay mượn mua thêm đất. Có đất, lại chuyển đổi cây trồng, từ trồng mì sang trồng cà phê, cao su. Chăm chỉ làm lụng sớm hôm, cứ thế, từ 2,5ha, anh chị đã mua được thêm hơn 16ha để trồng các loại cây.
Sau 5 năm vất vả, năm 2018, với số tiền dành dụm, tích lũy được, anh chị mua được nhà ở gần xã, tiện cho các con đi học. “Lúc đó mừng lắm, nhất là mấy đứa nhỏ. Có nhà, các con đi học tiện hơn, không còn phải học bài dưới ánh đèn le lói, vợ chồng mình lại có thêm động lực”- chị Hảo chia sẻ.
Giờ đây, với diện tích cao su, cà phê đã cho thu hoạch; những rẫy mì cũng đạt năng suất đã giúp anh chị có thu nhập 700 triệu- 1 tỷ đồng/năm.
“Trồng cây gì, nuôi con gì” luôn là vấn đề được chị Hảo quan tâm. Do đó, đầu năm 2021, chị Hảo quyết định chuyển đổi khoảng 7ha đất đang trồng mì sang trồng keo tai tượng. Chị cho biết, việc trồng rừng đòi hỏi có kỹ thuật và nhân công chăm sóc. Tuy nhiên, chị quyết tâm chuyển đổi, đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Không chỉ thế, hiện nay, chị có hướng chuyển diện tích đất đang trồng mì sang trồng mắc ca; và đang làm thủ tục mua thêm 10ha đất với định hướng sẽ trồng cao su, keo tai tượng.
Chị chia sẻ, xác định làm nông thì sẽ vất vả nhưng còn trẻ thì còn làm. Phải trồng đa dạng các loại cây để tránh được các rủi ro trong quá trình sản xuất. Trong thời gian đến, chị sẽ áp dụng khoa học vào sản xuất để vừa tiết kiệm sức người, vừa mang lại hiệu quả cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bảng– Chủ tịch UBND xã Sa Loong nói rằng, gia đình chị Hảo là một tấm gương về vượt khó ở địa phương, rất nỗ lực, tư duy trong sản xuất. Ngoài ra, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con cùng học theo.
BÌNH AN