Vì sự phát triển toàn diện của trẻ em
Những con số thống kê về công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em đôi khi lại làm người lớn chúng ta phải trăn trở hơn những vấn đề lớn. Bởi nó tác động đến từng gia đình, từng cộng đồng và toàn xã hội.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có khoảng 200.971 trẻ em (dưới 16 tuổi), chiếm 34,59% tổng dân số, trong đó trẻ em trong các hộ gia đình nghèo là 27.678 em, cận nghèo là 46.177 em.
Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã được quan tâm triển khai khá hiệu quả.
Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi trong trường học dành cho trẻ em; 58/102 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 42 xã duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.
|
Cơ chế phối hợp thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em giảm dần. Số liệu thống kê đến tháng 11/2023 cho thấy, toàn tỉnh còn khoảng 2.571 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, đã có 1.885 em được hưởng chế độ bảo trợ xã hội thường xuyên hàng tháng.
Đáng chú ý là 78% trẻ em khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng.
88% trẻ em từ 0-8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện; 99,5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh và 100% được phát triển phù hợp về sức khỏe, học tập và tâm lý xã hội.
Đặc biệt, sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đang dần được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và huyện. Tại đây, các em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của mình trong chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ trẻ em phát triển toàn diện, hoàn thiện chính sách về trẻ em.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, chúng ta đang đối mặt với một số thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em.
Những thách thức ấy rất đa dạng, trong đó bao gồm xâm hại và lạm dụng trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em ngoài nhà trường; giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, hỗ trợ trẻ em thiệt thòi và có hoàn cảnh khó khăn.
Những con số thống kê đôi khi lại làm người lớn chúng ta phải trăn trở hơn những vấn đề lớn. Bởi nó tác động đến từng gia đình, từng cộng đồng và toàn xã hội.
|
Theo Báo cáo số 396/BC-UBND ngày 6/11/2023 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có tới 42.738 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó chủ yếu là trẻ em sống trong hộ nghèo, cận nghèo, với 38.277 em.
Còn lại là trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ (3.750 em), và các trường hợp trẻ em sống trong các hộ gia đình có cha mẹ ly hôn, các hộ gia đình có vấn đề xã hội (như nghiện ma túy, vi phạm pháp luật).
Điều đáng lo ngại là số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục năm 2023 tăng hơn so với năm 2022 (15/8); trẻ em bị tử vong do đuối nước chưa giảm.
Tình trạng bạo hành trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn, thậm chí gia tăng. Có không ít trẻ em bị bạo hành trong chính ngôi nhà, mái trường mà lẽ ra các em được an vui, phát triển mọi mặt.
Nhiều vụ việc trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại không được phát hiện; hoặc bị bạo hành, bị đánh đập hoặc đối xử tàn độc trong thời gian dài nhưng chính quyền, đoàn thể ở địa phương chậm phát hiện.
Cho nên, lúc bắt tay vào viết bài này, tôi định nói về nỗi day dứt, đau đớn khi đọc được những thông tin liên quan đến những vụ xâm hại, bạo hành trẻ em. Và sau đó kêu gọi mọi người chung tay xử lý, ngăn ngừa.
Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, những lời kêu gọi sẽ trở nên sáo rỗng, khi thực tế bày ra trước mắt có thể còn đáng ngại hơn.
Nơi tôi ở là một xóm nhỏ, với vài chục nóc nhà. Cư dân trong xóm có công chức, công an, bộ đội, giáo viên, buôn bán, nông dân. Trong đó có những gia đình thường “cơm không lành, canh không ngọt”.
Tôi từng chứng kiến tình trạng bạo lực ở những gia đình này. Và trẻ em ở những gia đình ấy sẽ không được chăm sóc đầy đủ, không có được một môi trường an toàn để phát triển toàn diện.
Một số em phải gánh chịu tổn thương, cả về thể xác và tinh thần. Có em đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, phải bỏ học đi làm kiếm sống; vài ba em đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Có những lần, tôi không chịu nổi, đã đến can ngăn, thì hứng chịu những câu chửi thô lỗ, tục tằn.
Nhưng tôi cho rằng không nên vì thế mà bỏ cuộc. Chúng ta đã có Luật Trẻ em (Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016) và hàng loạt quy định dưới luật để đảm bảo việc thực thi quyền trẻ em một cách tốt nhất.
Đi cùng đó là loạt chính sách về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, vui chơi, nhằm tạo dựng môi trường phát triển toàn diện và an toàn cho trẻ em; một hệ thống cơ quan có chức năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em từ trung ương đến xã phường.
Tất nhiên, từ luật đến thực tế là một khoảng cách lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chung tay của mỗi người đến toàn xã hội.
Hãy làm tất cả những gì có thể, vì sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ em!
Thành Hưng