Ứng dụng công nghệ thông tin - nhìn từ Đăk Hà
Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống, trở thành động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh phát triển, đồng thời từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính quyền điện tử của huyện Đăk Hà.
|
Đến nay, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn huyện Đăk Hà được đầu tư phát triển khá đồng bộ, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, chất lượng đáp ứng phục vụ triển khai các giải pháp về công nghệ thông tin và thông tin liên lạc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 100% cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức có máy tính kết nối Internet phục vụ công tác chuyên môn; khoảng 80% người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin.
100% cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công chính phủ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Thực hiện thanh toán trực tuyến mức độ 4 của huyện ước đạt 25%.
Năm 2021, huyện đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện; từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các xã, thị trấn đảm bảo cung ứng dịch vụ công ngày càng tốt hơn.
Theo đánh giá của UBND huyện Đăk Hà, cách thức làm việc của các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước trên địa bàn bước đầu đã thay đổi từ thủ công sang môi trường điện tử; các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn.
Người dân có thể đóng góp ý kiến dễ dàng hơn đối với các cơ quan nhà nước; có thể nhận được các dịch vụ công tốt hơn từ các cơ quan nhà nước; được thông tin một cách tốt hơn, nhanh hơn cũng như toàn diện hơn về các chính sách và dịch vụ của chính quyền.
Tuy nhiên, tương tự những địa phương khác, hành trình ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử của huyện Đăk Hà đang gặp không ít khó khăn, hạn chế.
Trong đó, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu, chưa đồng bộ là “rào cản” đầu tiên. “Nhiều máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cấp xã, đã đầu tư nhiều năm, chưa được nâng cấp, thay thế nên không đáp ứng tốt nhiệm vụ”- một cán bộ xã phàn nàn khi gặp trục trặc trong nhập dữ liệu.
Vấn đề nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của huyện cũng là một “bài toán khó”, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế hoạt động.
Nhân viên văn phòng (đề nghị giấu tên) cho hay: Cán bộ công nghệ thông tin phải làm nhiều việc khác, nên hiệu quả tham mưu, đề xuất giải pháp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc thủ công, chưa chủ động học tập và trau dồi nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác của mình. Một số đơn vị chưa thật sự tích cực, chủ động trong việc khai thác, sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin đã đầu tư.
Điều đáng nói là tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện hiện rất thấp. Thực tế này cho thấy hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng các ứng dụng, các dịch vụ công nghệ thông tin chưa cao, dẫn đến nhận thức về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến ở một bộ phận người dân còn hạn chế.
Theo UBND huyện Đăk Hà, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính quyền điện tử, từ đó giúp cho người dân/doanh nghiệp tiếp cận các thông tin và dịch vụ công một cách thuận tiện nhất; mang lại cơ hội tốt hơn cho người dân/doanh nghiệp trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh, kể cả trong việc đóng góp các ý kiến với các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần có quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sự phối hợp của các cơ quan có liên quan và sự tham gia của người dân.
Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử cần tiến hành đồng bộ cả 3 mặt: Cơ chế, chính sách; hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực.
Về cơ chế, UBND huyện cần thông qua việc xây dựng và triển khai chủ trương, kế hoạch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, chú trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin.
Về hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang bị, bổ sung hạ tầng kỹ thuật cho chính quyền từ huyện đến xã; từng bước hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp huyện. Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án mở rộng, nâng cấp đường truyền; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin.
Tích hợp các hệ thống ứng dụng, dịch vụ và cơ sở dữ liệu dùng chung của huyện vào hệ thống; tích hợp phần mềm một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm quản lý chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình trao đổi, chia sẻ, sử dụng thông tin, dữ liệu.
Về nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức và tạo lập thói quen làm việc trên môi trường mạng cho công chức, viên chức. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin trong cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cấp xã.
Hồng Lam