Tu Mơ Rông: Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS
Thực hiện Quyết định số 720/QĐ-UBND, ngày 6/8/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Đề án), 3 năm qua (2020-2023), Huyện ủy Tu Mơ Rông lãnh đạo hệ thống chính trị tổ chức triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong 3 năm qua, Huyện ủy Tu Mơ Rông có nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) liên quan vùng DTTS, nên được các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân quan tâm thực hiện. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc nâng cao nhận thức đồng bào DTTS về ý nghĩa, tầm quan trọng của GD&ĐT đối với tương lai con em. Đồng thời, từng bước xây dựng và củng cố môi trường giáo dục, gắn kết giữa nhà trường với gia đình và xã hội, nhằm trang bị kỹ năng sống và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của công dân, khơi dậy ý thức tự giác học tập và khát vọng vươn lên cho học sinh DTTS.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Quang cho biết: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy và Đề án, huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất các trường học, bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, gắn với mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng nâng cấp các công trình vệ sinh và hệ thống nước sạch, các trang thiết bị phục vụ dạy học ngoại ngữ và tin học; hoàn thiện cơ sở vật chất đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục của loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trường có học sinh bán trú. Nhờ đó, toàn huyện được tỉnh công nhận mới 4 trường đạt chuẩn quốc gia.
Đến nay, toàn huyện có 100% cán bộ quản lý và giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu vị trí việc làm; trong đó, 74,5% cán bộ quản lý và 45% giáo viên có chứng chỉ tiếng DTTS. Đối với đội ngũ giáo viên người DTTS, đa số được bố trí công tác ổn định tại các đơn vị gần nơi cư trú. Số giáo viên đang công tác ở vùng khó khăn được đảm bảo hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước, nên yên tâm công tác lâu dài.
UBND huyện quán triệt ngành GD&ĐT huyện tập trung tổ chức các hoạt động ngoại khoá, ngoài giờ lên lớp, tăng cường tiếng Việt theo hướng trải nghiệm cho học sinh tiểu học và rèn kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, phát triển các kỹ năng của người học, thu hút học sinh đến trường.
Các đơn vị trường chủ động phát huy vai trò lãnh đạo của hiệu trưởng thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú và tổ chức nhiều hoạt động, mô hình hay để thu hút học sinh đến trường, đảm bảo duy trì tỉ lệ chuyên cần hàng ngày. Điển hình như: Trường Tiểu học xã Đăk Hà thực hiện thí điểm mô hình “Bán trú dân nuôi” tại thôn Ty Tu; Trường PTDTBT Tiểu học-Trung học cơ sở (TH-THCS) Tu Mơ Rông thực hiện mô hình “Bán trú dân nuôi” tại thôn Đăk Ka; Trường THCS xã Đăk Tờ Kan vận động được nguồn kinh phí từ nhóm tình nguyện “Niềm tin-Trung tâm tình nguyện Quốc gia” thuộc “Dự án nuôi em” hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh không có chế độ bán trú.
|
Từ đó, tạo điều kiện để các trường học tổ chức tốt công tác dạy học 2 buổi/ngày, chú trọng việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS cấp tiểu học, dạy bồi dưỡng cho học sinh DTTS cấp THCS và trung học phổ thông (THPT). Ngoài các tiết dạy chính khóa, các trường sắp xếp, bố trí giáo viên thực hiện các tiết dạy bồi dưỡng những nội dung kiến thức học sinh còn yếu với các chuyên đề, chủ đề phù hợp với đối tượng học sinh DTTS.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lê Văn Hoàng cho biết: Qua 3 năm thực hiện Đề án, chất lượng giáo dục của học sinh DTTS Trường PTDTNT huyện có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ học sinh THPT đạt học lực trung bình trở lên từ 89% lên 93%; tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học giảm 10% qua các năm; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có 100% trường tiểu học, 25% trường THCS, 37,5% trường TH-THCS đạt chuẩn quốc gia.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, trong 3 năm qua, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS được huyện triển khai đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở và được nhân dân đồng thuận. Việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị được thực hiện đúng kế hoạch đề ra, gắn với thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Công tác xã hội hoá giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, phạm vi huy động các nguồn lực ngày càng mở rộng ra ngoài phạm vi của địa phương, được các nhà hảo tâm, các tổ chức trên cả nước hỗ trợ vật chất, đồ dùng cho các trường học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì ổn định, ngày càng có tính bền vững. Động cơ, ý thức học tập của học sinh DTTS có những chuyển biến tích cực, nên chất lượng học tập ngày càng tăng lên.
Nguyên Hà