Tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh ta quan tâm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.
Hiện nay toàn tỉnh có gần 2.300 bộ cồng chiêng được duy trì và đưa vào hoạt động thường xuyên phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân trong các dịp lễ hội của cộng đồng. Tại các thôn, làng trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có đội cồng chiêng riêng duy trì tập luyện và biểu diễn thường xuyên.
Huyện Đăk Glei là nơi tụ cư của nhiều đồng bào DTTS tại chỗ; trong đó đông nhất là dân tộc Xơ Đăng và Gié- Triêng. Người dân nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống nguyên sơ, rất phong phú, độc đáo. Trong đó, văn hóa cồng chiêng luôn là trung tâm quy tụ trong đời sống tinh thần của người dân. Biểu diễn cồng chiêng luôn là nhu cầu đặc biệt và xuất hiện trong hầu hết hoạt động sinh hoạt và trở thành nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu.
Để giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS tại cỗ, trong giai đoạn 2021- 2023, huyện Đăk Glei dành nguồn lực đầu tư, trang bị 17 bộ cồng chiêng, trống cho 17 thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng; mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang tại các thôn, làng; thường xuyên tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống, đưa các đội nghệ nhân tham gia các Hội thi về cồng chiêng, xoang do các cấp tổ chức.
|
Đội cồng chiêng, xoang của thôn Đăk Xam, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) được thành lập vào năm 2022. Từ khi có đội cồng chiêng, phong trào tập luyện, biểu diễn văn hóa truyền thống của bà con được duy trì thường xuyên hơn; lớp trẻ tại làng tích cực hơn trong tập luyện cồng chiêng, múa xoang.
Anh A Thôn- Đội trưởng Đội chiêng thôn Đăk Xam cho biết: Từ khi thành lập, đội chiêng của thôn được huyện hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng gồm 12 cái và 1 cái trống; hỗ trợ kinh phí mời nghệ nhân về truyền dạy kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang. Đến nay, toàn đội có 24 thành viên tham gia. Qua thời gian tập luyện, đội chiêng của thôn đã diễn tấu thành thục được nhiều bài chiêng truyền thống, thường xuyên đánh phục vụ tại các lễ hội, sự kiện lớn, nhỏ tại địa phương
Đặc biệt, công tác khôi phục, xây dựng, sửa chữa nhà rông truyền thống luôn được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 434 nhà rông, bao gồm nhà rông làm bằng vật liệu truyền thống, bán truyền thống, vật liệu hiện đại. Nhà rông của mỗi dân tộc mang những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng, trang trí hoa văn, là nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết mọi người.
Thành phố Kon Tum là địa phương rất quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục nhà rông truyền thống. Hàng năm, địa phương quan tâm bố trí, cân đối kinh phí từ các chương trình MTQG, nhất là chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS&MN và huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư xây mới, sửa chữa hệ thống nhà rông trên địa bàn.
Chị Y Blek- Trưởng thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Trước đây nhà rông cũ làm bằng nguyên liệu tự nhiên nên đã xuống cấp, không sử dụng được. Vào năm 2022, được nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, bà con đóng góp nguyên vật liệu, ngày công để xây dựng nhà rông bán truyền thống, kết hợp với các vật liệu hiện đại để kiên cố hơn. Từ khi có nhà rông mới, đồng bào dân tộc Ba Na chúng tôi rất vui mừng, thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nhà rông.
|
Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, thời gian qua, ngành VH,TT&DL tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các loại hình của Không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các DTTS. Ngoài cồng chiêng, múa xoang, nhà rông, tỉnh dành nhiều nguồn lực bảo tồn, phục dựng các lễ hội, nhạc cụ truyền thống, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ truyền thống; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống; tu bổ tôn tạo di tích, các địa điểm văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn làng; mở các lớp dạy cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm.
Trong năm 2024, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum, kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ văn hóa dân gian, đội văn nghệ truyền thống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, tâm linh của người dân.
Đến nay, bên cạnh sự “góp mặt” trong di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, tỉnh ta 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản Quốc gia là: Sử thi Ba Na; Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na); nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tại huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tại huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum.
Hoàng Thanh