Không nên quy định cứng trong luật về cơ quan tham mưu tổ chức hoạt động giám sát
Sáng 29/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
|
Trên cơ sở gợi ý tại Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực tế hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và giám sát của các ĐBQH thời gian qua, đồng chí Phạm Đình Thanh - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát biểu tham gia 3 ý kiến xây dựng luật:
Thứ nhất, về việc bổ sung nguyên tắc của công tác giám sát vào Dự thảo Luật. Nội dung dự kiến bổ sung vào Dự thảo luật là "Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương". Theo đại biểu Phạm Đình Thanh nội dung này không hoàn toàn là nguyên tắc, mà có thể hiểu nó vừa là nguyên tắc và cũng vừa là mục tiêu hướng đến của công tác giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, không nhất thiết quy định thành một khoản riêng mà có thể xem xét bổ sung vào các nội dung đã được quy định tại luật hiện hành.
Theo đó, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất lựa chọn phương án 2 đó là bổ sung nội dung này vào khoản 2, Điều 3 và xây dựng hoàn chỉnh nội dung của khoản 2, điều này là: bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.
Thứ hai, về quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (tại Điều 30 và Điều 31). Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với quan điểm, Luật Hoạt động giám sát đã quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động giám sát thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình như thế nào? Và việc phân công cơ quan, tổ chức nào tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát này là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; không nên quy định cứng trong Luật về cơ quan, tổ chức nào tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát này.
|
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất lựa chọn phương án 1 là bổ sung khoản 5 sau khoản 4 ở Điều 30 và Điều 31. Đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Thứ ba, về điều kiện thành lập Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thành lập Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH (nội dung này chưa có trong Dự thảo luật trình Quốc hội lần này). Quy định tại khoản 1, Điều 52 luật hiện hành đang gây khó khăn đối với các Đoàn ĐBQH, nhất là các Đoàn có ít đại biểu Quốc hội. Cụ thể: Luật quy định "Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn và có ít nhất ba đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát".
Thực tế hiện nay, trong 63 Đoàn thì có trên 40 Đoàn ĐBQH có không quá 7 đại biểu, một số Đoàn ĐBQH chỉ có 5 đại biểu; các Đoàn này có 1 ĐBQH chuyên trách ở địa phương (các ĐBQH khác ở trung ương và địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, bận rất nhiều công việc) nên rất khó thành lập Đoàn giám sát có từ 4 đại biểu trở lên; trong thực tế, có thời điểm Đoàn ĐBQH muốn thành lập Đoàn giám sát nhưng không thực hiện được, vì không có đủ số lượng 4 ĐBQH tham gia Đoàn giám sát theo quy định của Luật.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn ĐBQH các địa phương chủ động trong việc tổ chức công tác giám sát theo trách nhiệm, thẩm quyền. Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, sửa đổi nội dung quy định về điều kiện thành lập Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tại khoản 1, Điều 52 luật hiện hành theo hướng "Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội do Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội làm Trưởng đoàn và có đại biểu Quốc hội là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn giám sát".
Quy định thế này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt cho hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH các địa phương và cũng không ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát. Vì, khi Đoàn ĐBQH thành lập Đoàn giám sát - ngoài thành viên là ĐBQH, căn cứ nội dung, yêu cầu của công tác giám sát, Đoàn ĐBQH còn có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia hoạt động của Đoàn giám sát với tư cách là thành viên.
Hiện nay, cá nhân ĐBQH cũng có thể tổ chức giám sát theo trách nhiệm, thẩm quyền được quy định tại Điều 53 Luật hiện hành; nên theo đại biểu Phạm Đình Thanh tùy theo tình hình thực tế (Trong trường hợp không thể thành lập Đoàn giám sát có từ 4 ĐBQH trở lên), Đoàn ĐBQH có thể thành lập Đoàn giám sát có 2 hoặc 3 ĐBQH để tổ chức giám sát; việc này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát theo yêu cầu và mục đích mà Dự án luật này hướng đến.
Ngược lại, sẽ giúp cho các Đoàn ĐBQH và ĐBQH ở địa phương thực hiện tốt chủ trương hiện nay của Quốc hội, đó là: tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và giám sát của cá nhân ĐBQH đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương.
HỒ NAM