Tu Mơ Rông: Giúp người dân an cư tại các khu tái định cư
Thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai xây dựng nhiều dự án tái định cư, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ, giúp các hộ dân thực sự “an cư” tại các khu tái định cư.
Được sự quan tâm của tỉnh, huyện Tu Mơ Rông đã triển khai xây dựng 12 khu tái định cư trên địa bàn 7 xã phục vụ di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở về ở. Trong giai đoạn năm 2016 về trước, huyện đã đầu tư xây dựng 9 khu tái định cư với 426 hộ dân gồm Khu tái định Tân Ba, xã Tê Xăng (42 hộ); Khu tái định cư Kạch Lớn 2, xã Đăk Sao (84 hộ); Khu tái định cư Năng Lớn 2, xã Đăk Sao (36 hộ); Khu tái định cư Năng Lớn 3, xã Đăk Sao (40 hộ); Khu tái định cư Long Tro, xã Văn Xuôi: 48 hộ, Khu tái định cư Ba khen, xã Văn Xuôi (24 hộ); Khu tái định cư Ba Tu 3, xã Ngọk Yêu (52 hộ); Khu tái định cư Tam Rin, xã Ngọk Yêu (63 hộ); Khu tái định cư Mô Za, xã Ngọk Lây (37 hộ).
|
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông tiếp tục triển khai 1 dự án ổn định đời sống dân cư, các chính sách hỗ trợ (thực hiện theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ) cho 200 hộ dân trên địa bàn 3 xã Tê Xăng, Tu Mơ Rông, Đăk Rơ Ông; trong đó, di dời tập trung 181 hộ và di dời xen ghép 19 hộ. Các khu tái định cư trên địa bàn 3 xã cũng đã được đầu tư hoàn chỉnh về hệ thống kết cấu hạ tầng điện, nước, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa...
Để đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của người dân ở nơi ở mới, tất cả các khu tái định cư đều được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nhà rông, nhà văn hóa. Ngoài ra, huyện còn ưu tiên nhiều nguồn vốn và thường xuyên tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống để họ an cư, gắn bó ổn định tại nơi ở mới.
Khu tái định cư thôn Tu Thó và thôn Tân Ba (xã Tê Xăng) đang có hơn 200 hộ dân sống ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện và đầy đủ phục vụ cuộc sống của người dân. Bằng nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng với nguồn vốn đối ứng của gia đình, những ngôi nhà kiên cố, chắc chắn, điện, đường, trường được đầu tư sạch đẹp, khang trang, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống khi có mưa bão xảy ra. Người dân bày tỏ sự vui vẻ, yên tâm và thoải mái khi nói về nơi ở mới.
Ông A Long, thôn Tân Ba, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ: Ở trên làng cũ không được đảm bảo, mưa bão hay bị sạt lở, rất nguy hiểm. Được Đảng, Nhà nước quan tâm di dời xuống đây, giải phóng mặt bằng cho dân, làm nhà cho dân ở, rất yên tâm. Hiện nay, cả làng đều đã ổn định cuộc sống, đời sống ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, ở đây không sợ mưa gió, bão mỗi khi vào mùa mưa như những năm trước nữa. Bà con giờ lo làm ăn, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
|
Còn anh A Hoan, thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) cho biết: Lên nơi ở mới vừa an toàn vừa không sợ mưa nắng. Điện, đường, trạm y tế được đầu tư hoàn thiện, bài bản, đẹp.
Bà Y Hoa- Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng cho hay: Chúng tôi tập trung các nguồn lực về phát triển kinh tế của các chương trình MTQG, hỗ trợ cho bà con tập trung phát triển kinh tế. Các nguồn vốn liên quan đến giảm nghèo bền vững, DTTS miền núi để bà con tập trung phát triển các cây dược liệu là thế mạnh của địa phương như sâm Ngọc Linh, sâm dây và cây cà phê xứ lạnh.
Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sạt lở đất, lũ quét, do đó, việc sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ xung yếu đến nơi ở an toàn, ổn định lâu dài luôn được huyện Tu Mơ Rông chú trọng. Bên cạnh đó, huyện cũng huy động nhiều nguồn lực, hỗ trợ tạo sinh kế giúp người dân tại các khu tái định cư an tâm sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Với quan điểm khu tái định cư cho người dân phải ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ, huyện luôn quan tâm huy động các nguồn lực từ xã hội hóa để hỗ trợ cho người dân để người dân yên tâm. Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ người dân cây con giống về khu tái định cư để chuẩn bị cho đời sống mới ổn định hơn. Huyện hỗ trợ, vận động người dân tham gia với các doanh nghiệp để phát triển cây dược liệu, cây ăn quả như cây dứa, các cây đặc hữu phù hợp với địa bàn để người dân phát triển tốt hơn.
Phúc Nguyên