Tích cực thực hiện Chương trình Chuyển đổi số
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số theo đúng mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
|
Theo UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ quan nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, trong đó trên 90% cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giao. Xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh làm nền tảng phục vụ việc phát triển ứng dụng dịch vụ Chính quyền điện tử và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia.
Hệ thống Trung tâm điều hành thông minh tỉnh tiếp tục được duy trì và hoàn thành công tác tích hợp dữ liệu của 7 hợp phần giám sát điều hành về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hiệu quả hoạt động của chính quyền, lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, phản ánh kiến nghị, an toàn thông tin trên môi trường mạng, an ninh trật tự, giao thông và đô thị. Đồng thời, tạo lập và hình thành được một số cơ sở dữ liệu cơ bản về kinh tế - xã hội, hoạt động của chính quyền, y tế, giáo dục của tỉnh.
Nền tảng Chính quyền điện tử tỉnh đã xây dựng và ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0 là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai Chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh; là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh. Xác định lộ trình và lập kế hoạch triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh gắn với phát triển đô thị thông minh tiến tới xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nền tảng quản lý văn bản và điều hành của tỉnh được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành với 1.973.930 văn bản, đạt trên 97%. Triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh kết nối với Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, theo đó giám sát an toàn thông tin các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, kịp thời đưa ra các cảnh báo, biện pháp khắc phục các lỗ hổng mất an toàn thông tin.
Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh (https://hethongbaocao.kontum.gov.vn) triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn để thực hiện báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Thiết lập đầy đủ chế độ báo cáo của các đơn vị vào hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại địa chỉ: https://dichvucong.kontum.gov.vn, với 1.339 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 169 dịch vụ công mức độ 3 và 1.170 dịch vụ công mức độ 4. Việc triển khai ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế -xã hội nhanh chóng, hiệu quả. Thực hiện lộ trình xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Kon Tum đến nay đã lắp đặt được 12 camera giám sát an ninh, giám sát trật tự đô thị; xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch đất đai, xây dựng.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống phòng, chống mã độc với 5.528 máy tính có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại. Hướng dẫn và phê duyệt hồ sơ của 35 cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin.
Toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử, trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và trên 98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 100% số xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G và hạ tầng mạng cáp quang; 99,7% số thôn được phủ sóng 4G; 66,44% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 79,79% số hộ gia đình có điện thoại thông minh; 48,33% số hộ gia đình có cáp quang băng rộng.
Toàn tỉnh có 83,6% dân số được tạo lập hồ sơ sức khoẻ. Một số đơn vị y tế ứng dụng “VssID - BHXH số” trên điện thoại thông minh để sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trong ứng dụng thay cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy để đi khám chữa bệnh; 10/10 huyện, thành phố triển khai ký số chứng nhận tiêm trên nền tảng tiêm chủng Covid-19.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh hoàn thiện giai đoạn 1 với 2.007 video bài giảng, đồ dùng dạy, học liệu số cấp tiểu học và 173 video bài giảng cấp mầm non, 425 bài giảng cấp trung học phục vụ học sinh và giáo viên có thể tham gia học tập mọi lúc mọi nơi.
Toàn tỉnh thành lập 566 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia. Theo đó, tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu về chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường ngày một tăng.
Nguyên Hà