Thực hiện các tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới: Nỗ lực về đích đúng hẹn
Sở GD&ĐT là đơn vị tham mưu Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh triển khai thực hiện 2/19 tiêu chí (tiêu chí số 5 và 14 (trừ 14.3 về lao động)). Phóng viên Báo Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xung quanh những nhiệm vụ trọng tâm ngành đã và đang cụ thể hóa các chỉ tiêu được giao.
Đầu tư đồng bộ cho trường đạt chuẩn
- Thưa ông, ngành GD&ĐT với vai trò thành viên Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh đánh giá thế nào về những kết quả đạt được với tiêu chí 5 đã thực hiện giai đoạn qua ?
Đầu năm 2016, chung cả tỉnh đánh giá thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới 5 năm (2011 – 2015), ngành đã có báo cáo thực hiện đạt tiêu chí số 5 về đầu tư cơ sở vật chất các trường học ở 86 xã nằm trong lộ trình quy hoạch chung xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới cấp tỉnh. Cụ thể, hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh được củng cố, mở rộng lên 400 trường, tăng 5 trường so đầu năm học 2014-2015. Các địa phương đã xóa được 118 phòng học tạm, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố - bán kiên cố đạt 96,8%. Toàn ngành có 136 trường đạt chuẩn quốc gia, có 26/28 xã nằm trong lộ trình có trường học đạt chuẩn tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất 70% trở lên, tăng 24 xã so với năm 2010.
Sở GD&ĐT đã phối hợp thường xuyên với UBND các huyện, thành phố Kon Tum rà soát, tổng hợp danh sách đưa các trường học tại các xã nằm trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới để lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất. Giai đoạn 2011 – 2015, ngành đã triển khai đề án trường đạt chuẩn quốc gia song hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên kinh phí ở các chương trình, chính sách dành cho giáo dục, thực hiện xã hội hóa đầu tư, sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất, đáp ứng đạt các yêu cầu đối với trường học thuộc xã nông thôn mới. Quá trình thực hiện, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cấp huyện chú ý bám sát đề án xây dựng nông thôn mới các cấp để tham mưu UBND địa phương điều chỉnh, dành nguồn lực lớn hoàn thiện tiêu chí số 5 ở các trường kịp thời, đúng tiến độ.
- Theo đánh giá của đơn vị, các năm qua, toàn ngành đã nỗ lực cho kết quả khả quan về tiêu chí số 5. Vậy cũng theo ông, đâu sẽ là kinh nghiệm, giải pháp tốt cho ngành tiếp tục cụ thể hóa tham mưu xây dựng nông thôn mới ở lĩnh vực trên giai đoạn 2016 – 2020 ?
Tiếp tục vai trò thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, chúng tôi đã chủ động chỉ đạo phòng GD&ĐT cấp huyện rà soát, tham mưu địa phương đánh giá hiện trạng các cơ sở giáo dục nằm ở một số xã sẽ xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới từng năm theo lộ trình dự kiến của tỉnh. Trên cơ sở này, tham mưu Ban chỉ đạo tổ chức họp các thành viên (lãnh đạo các sở, ngành, địa phương) lấy ý kiến thống nhất chung, nhằm tránh rủi ro, hay xử lý vướng mắc, khó khăn có thể làm chậm tiến độ thực hiện. Ở phía ngành, tiếp tục lồng ghép, quan tâm đầu tư cho trường học ở các xã được phê duyệt xây dựng nông thôn mới, nhằm đáp ứng cơ sở chật chất đồng bộ, sớm đạt chuẩn theo quy định chung.
|
Năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn 2016 – 2020, ngành đã nỗ lực tham mưu và ưu tiên nhiều nguồn kinh phí sửa chữa, xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất cho các trường học ở 9/16 xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, đã có trường học gần như đã đạt 100% tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất.
Tiếp tục duy trì, củng cố chỉ tiêu về phổ cập
- Đi cùng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện tiêu chí số 5 trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh thời gian qua, thì việc hoàn thành tiêu chí số 14 (trừ 14.3 về đào tạo lao động) có những trở ngại nào không thưa ông?
Ở tiêu chí 14 về công tác phổ cập giáo dục, hàng năm, ngành GD&ĐT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn toàn tỉnh dành cho công tác phổ cập giáo dục, bao gồm phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi, tiểu học đúng độ tuổi, trung học cơ sở và xóa mù chữ; công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Cuối 2015, toàn tỉnh đã phấn đấu đạt 99% các tiêu chuẩn công nhận phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đối với phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, đạt tỷ lệ 99,99% và toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 vào năm 2009, hiện nay vẫn duy trì kết quả đạt được ở 10 huyện, thành phố. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở các năm qua đạt 98,7%; tổng số đối tượng trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đã tốt nghiệp THCS đạt 86,7%. Công tác xóa mù chữ được thực hiện ở đối tượng có độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 96,0% và đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013-2015. Đến đầu năm 2016, toàn tỉnh công bố 48/86 xã đạt chuẩn tiêu chí 14 (trừ chỉ tiêu 14.3 về tỷ lệ lao động qua đào tạo do Sở LĐTB&XH thực hiện), tăng 43 xã đạt chuẩn so với cuối năm 2010.
- Theo ông thời gian đến, đâu sẽ là giải pháp mà ngành đã và đang tham mưu, hướng dẫn và phối hợp đẩy mạnh thực hiện củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập các cấp và xóa mũ chữ trong 5 năm tới ?
Hiện tại, đơn vị đã và đang nỗ lực triển khai các chỉ tiêu, bao gồm: Phấn đấu hàng năm, học sinh cuối cấp trung học cơ sở đạt tỷ lệ tốt nghiệp từ 90% (xã đặc biệt khó khăn 70%) trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học đạt 70%.
Để duy trì và củng cố, nâng cao kết quả ở tiêu chí 14 trên, chúng tôi mong muốn, các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức và trách nhiệm về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong hệ thống chính trị. Về chuyên môn, ngành sẽ kịp thời tổ chức, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học và thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Xin cảm ơn ông!
Mai Trâm (thực hiện)